Multimedia Đọc Báo in

Quản lý giống – giải pháp kỹ thuật bảo đảm cho sản xuất cà phê bền vững

15:52, 02/07/2017

Theo định hướng quy hoạch của Đắk Lắk thì diện tích cà phê trong thời gian tới của tỉnh khoảng 170.000 ha.

Như vậy, diện tích cà phê không những không mở rộng mà còn giảm khoảng hơn 30.000 ha so với hiện nay. Vấn đề đặt ra trong sản xuất cà phê bền vững ở Đắk Lắk là phải trồng tái canh một số lớn diện tích cà phê già cỗi để duy trì diện tích và sản lượng theo quy hoạch. Đây là thách thức và cũng là cơ hội để thay dần bộ giống cà phê trước đây cho năng suất không cao, trọng lượng cà phê nhân thấp bằng bộ giống mới (TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12) vừa cho năng suất cao, chất lượng hạt cà phê nhân cao và kháng bệnh rỉ sắt, góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành hàng cà phê của tỉnh.

Để trồng tái canh cà phê bằng bộ giống mới thì cần phải có các giải pháp quản lý vừa mang tính tổ chức vừa mang tính kỹ thuật, trong đó tổ chức sản xuất là giải pháp cơ bản cần phải được quan tâm đầu tiên.

Hiện tại nhiều nông dân chưa thật sự có cơ hội, điều kiện để tiếp cận với các thành tựu khoa học về giống cà phê do nhiều lý do, trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề quản lý về giống. Hiện có quá nhiều cơ sở sản xuất giống cà phê không thực hiện đúng theo các quy định về kinh doanh giống cây trồng, đặc biệt là quanh khu vực của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, dọc đường Nguyễn Văn Cừ, khu vực sân bay... Rất nhiều cây giống cà phê được sản xuất ra không có nguồn gốc rõ ràng, không bảo đảm chất lượng. Đáng chú ý là hệ thống "cò" cây giống ở khu vực xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) rất phát triển và hoạt động công khai, nhộn nhịp bằng nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi, kể cả mạo danh là đại lý cây giống của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khiến nhiều nông dân đã mua phải cây giống không bảo đảm nguồn gốc và chất lượng. Và, hậu quả của việc này sẽ diễn ra trong thời gian 4 - 5  năm sau khi trồng, năng suất, chất lượng cà phê không như mong đợi, cây bị bệnh rỉ sắt… và tất yếu sẽ ảnh hưởng chung đến Đề án sản xuất cà phê bền vững của tỉnh.

Vì vậy, để bảo đảm cho người dân tiếp cận được với giống cà phê mới đúng chất lượng, các cơ quan quản lý địa phương cần tập trung giải quyết các vấn đề sau: Tăng cường quản lý chất lượng giống của các cở sở sản xuất cây giống theo đúng quy định của Nhà nước. Có chế tài xử lý nghiêm và đủ mạnh đối với các cơ sở sản xuất cây giống không đăng ký kinh doanh; người đứng đầu cơ sở sản xuất giống không bảo đảm tiêu chuẩn nghiệp vụ; không có vườn đầu dòng, vườn nhân giống; lý lịch giống không rõ ràng và chưa được cấp thẩm quyền công nhận cho phép sản xuất; cây giống không bảo đảm chất lượng... Tiếp đó, cần hình thành hệ thống sản xuất và cung ứng giống cà phê bảo đảm đúng yêu cầu về chất lượng cây giống phục vụ cho Chương trình sản xuất cà phê bền vững của tỉnh; hoặc hình thành một Hiệp hội sản xuất giống cây trồng chất lượng cao của tỉnh để thuận lợi cho công tác quản lý cũng như giúp nông dân tiếp cận được với giống tốt, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân trong quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, cần tổ chức lại hộ nông dân sản xuất cà phê thành các tổ, câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững hoặc sản xuất cà phê chứng nhận của các tổ chức như Utz certified, 4C, Rainforest Alliance... để họ có cơ hội tiếp cận được các tiến bộ khoa học công nghệ về giống và các biện pháp kỹ thuật mới. Thông qua các hình thức tổ chức sản xuất mới này, các địa phương của tỉnh có thể nắm được nhu cầu về cây giống để trồng mới, trồng tái canh, trồng thay thế hoặc ghép cải tạo của hộ nông dân để từ đó cung cấp thông tin cho cấp thẩm quyền làm căn cứ cho các đơn vị của hệ thống sản xuất và cung ứng giống xây dựng kế hoạch hằng năm.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chương trình hỗ trợ cây giống cà phê cho nông dân thông qua các hình thức tổ chức sản xuất như tổ, câu lạc bộ, hợp tác xã... Việc hỗ trợ này có thể trực tiếp cho nông dân, song có cơ chế ràng buộc nông dân phải mua giống tại các cơ sở sản xuất cây giống nằm trong hệ thống quản lý của Nhà nước; các vườn ươm giống của Dự án VnSAT, hoặc gián tiếp thông qua các cơ sở sản xuất giống trong hệ thống. Mức hỗ trợ cây giống có thể từ 30-40 % giá bán giúp nông dân mua được giống tốt, có địa chỉ, có nguồn gốc.

TS Trương Hồng

(Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.