Để nông hộ tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ chăn nuôi
Nhằm phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, ngày 31-5-2016, UBND tỉnh ký Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND (QĐ 24) quy định một số nội dung hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, việc tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ vẫn còn nhiều bất cập.
Nhiều hình thức hỗ trợ người chăn nuôi
Các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức nông hộ đa phần là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu tận dụng các phế, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn; sử dụng nguồn phân chuồng bón cho ruộng… để gia tăng thu nhập. Theo QĐ 24, trong giai đoạn 2016-2020, các nông hộ sẽ được hỗ trợ kinh phí chăn nuôi từ con giống đến việc xử lý chất thải. Cụ thể, hộ chăn nuôi dưới 10 con heo, trâu, bò sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí liều tinh/lần phối giống (hỗ trợ thêm 1 liều tinh nếu lần 1 không đậu thai, tối đa 5 liều tinh/lợn nái/năm, 2 liều tinh/bò thịt/năm, 4 liều tinh/bò sữa hoặc trâu/năm. Người chăn nuôi khi mua con giống được hỗ trợ 5 triệu đồng/con lợn đực giống (3 con/hộ); 25 triệu đồng/con trâu đực giống; 20 triệu đồng/con bò đực giống; gà, vịt bố mẹ hậu bị 50.000 đồng/1 con (200 con/hộ). Ngoài ra, mỗi hộ chăn nuôi còn được hỗ trợ 5 triệu đồng/công trình khí sinh học (Biogas) bằng bể xây hoặc vật liệu Composite có thể tích từ 4 m3 trở lên; 5 triệu đồng/hộ để xây đệm lót sinh học.
Nuôi heo bằng đệm lót sinh học tại một nông hộ ở huyện Cư Kuin. |
Người dân khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc được hỗ trợ 6 triệu đồng/người (gồm chi hỗ trợ trực tiếp cho người học; chi in ấn tài liệu, văn phòng phẩm, hội trường, trang thiết bị giảng dạy, vật tư thực hành (nếu có); chi bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn viên, thực hành thao tác kỹ thuật…). Các dẫn tinh viên đạt chuẩn khi thực hiện phối giống theo chương trình được hỗ trợ dụng cụ phối giống (găng tay, ống gel) súng bắn tinh, Nitơ lỏng để vận chuyển tinh 1.500-2.000 lít/năm.
Vốn hỗ trợ chưa đến được với nông hộ
QĐ 24 cơ bản đáp ứng được nhiều nhu cầu của hộ chăn nuôi, nhưng đến nay, hơn 1 năm có hiệu lực vẫn chưa có nông hộ nào tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Anh, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin cho biết, heo rớt giá khiến đàn heo của gia đình từ hàng chục triệu đồng xuống còn vài triệu đồng, chưa đủ tiền vốn đầu tư con giống ban đầu khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn, không có vốn để tái đầu tư sản xuất nên ông rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để tái sản xuất, bảo đảm cuộc sống gia đình. Còn với các trạm khuyến nông (đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện Chương trình hỗ trợ này) dù muốn hỗ trợ các hộ chăn nuôi sớm tái đàn cũng không thể thực hiện bởi không có thông tư hướng dẫn cụ thể…
Ông Nguyễn Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin cho biết, qua nghiên cứu QĐ 24 cho thấy, việc hỗ trợ là rất cần thiết và hợp lòng dân, tuy nhiên khi đối chiếu với thực tế, một số quy định được xây dựng chưa rõ ràng, phù hợp. Cụ thể như hiện nay nuôi heo bằng đệm lót sinh học mang lại hiệu quả môi trường, kinh tế rất tốt nhưng nguồn nguyên liệu làm đệm lót sinh học là mùn cưa rất hiếm; chi phí xây dựng hầm biogas bằng xi măng thấp hơn so với các vật liệu khác và được xây dựng khá phổ biến nhưng hiệu quả vận hành thấp hơn so với hầm composite, nên chăng ngành nông nghiệp thỏa thuận với các doanh nghiệp sản xuất để giảm bớt khâu trung gian hạ giá thành sản phẩm xuống phù hợp hơn.
Mặt khác, theo quy định muốn nhận hỗ trợ 60.000 đồng/liều tinh heo (theo giá thị trường) thì người chăn nuôi phải gõ cửa từ chính quyền cấp xã để xác nhận bản thân thuộc đối tượng được hỗ trợ, sau đó mới đến trạm khuyến nông các địa phương để đăng ký nhận liều tinh với nhiều thủ tục hóa đơn, chứng từ quyết toán rất mất thời gian, trong khi đó, thời gian thụ tinh của heo chỉ trong vài ngày. Còn con giống hỗ trợ phải đạt chuẩn nhưng hiện nay lại chưa có danh sách cụ thể các cơ sở sản xuất con giống đủ điều kiện để người dân tiếp cận nên rất khó thực hiện nội dung này. Sự hỗ trợ thiết thực thường đi kèm những chi tiết nhỏ với các mức hỗ trợ, số lần thực hiện khác nhau nên việc yêu cầu hóa đơn, chứng từ đối với hỗ trợ chăn nuôi nông hộ rất khó thực hiện, do đó, ngành nông nghiệp cần có dự toán khung để tinh giảm các thủ tục không cần thiết cho nông dân.
Trong bối cảnh chăn nuôi gặp khó khăn do biến đổi khí hậu và biến động giá cả như hiện nay, hy vọng ngành chức năng của tỉnh sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể với các thủ tục đơn giản để chính sách hợp lòng dân này sớm đi vào thực tiễn.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc