Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình bón phân cân đối cho cây cà phê

07:44, 18/09/2017

Huyện Cư M’gar có hơn 36.000 ha cà phê, phần lớn cà phê được trồng từ những năm 1980 – 1990 (với khoảng 20.000 ha). Hiện nay, hầu hết những diện tích này đã già cỗi, cộng với chất đất bạc màu do bón phân không hợp lý dẫn đến năng suất giảm, hiệu quả thấp.

Trước tình trạng trên, trong những năm qua Trạm Khuyến nông huyện Cư M’gar đã tích cực triển khai xây dựng các mô hình bón phân cân đối cho cây cà phê. Theo thống kê, trong năm 2016 Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thực hiện được 4 mô hình tại các xã Quảng Tiến, Ea Tul, Cuôr Đăng, Ea Kiết và trong 6 tháng đầu năm 2017 thực hiện được 4 mô hình tại các xã Ea Đrơng, Ea Kpam, Cư Dliê Mnông, Ea M’droh (với quy mô 4 ha cà phê kinh doanh từ 17 – 20 năm). Mỗi mô hình triển khai trên diện tích 0,5 ha, được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó nông dân được hỗ trợ 50% kinh phí, gồm: phân tích đất, phân bón và được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Ông Trương Bảy, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Việc đầu tiên là phân tích đất, sau khi phân tích đất sẽ có 1 bảng dinh dưỡng cho vườn cây đó, bao gồm thông tin về độ PH, NPK, đạm, lân, kali… Cán bộ khuyến nông sẽ đến tận vườn cây để cùng với nông dân bổ sung chất dinh dưỡng cho hợp lý, không quá thừa cũng không quá thiếu. Mục đích của mô hình này là nhằm giúp nông dân nắm được dinh dưỡng trong đất vườn cây của mình, giảm chi phí, bón phân hợp lý, cân đối theo yêu cầu sinh dưỡng của cây”.

Vườn cà phê tham gia mô hình bón phân cân đối của gia đình anh Nguyễn Hồng Phúc.
Vườn cà phê tham gia mô hình bón phân cân đối của gia đình anh Nguyễn Hồng Phúc.

Qua quá trình thực hiện mô hình cho thấy, nông dân đã xác định được các giải pháp quản lý đất và dinh dưỡng trong canh tác cà phê; liều lượng phân bón phù hợp trên nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê và độ phì của đất để đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón… Hiệu quả thể hiện ở việc cải thiện được tỷ lệ rụng trái, sâu bệnh giảm và năng suất được nâng lên đáng kể. Đơn cử như vườn cà phê của anh Nguyễn Hồng Phúc (thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến) trước đây chỉ phát triển ở mức trung bình, lá xanh nhưng chưa đều và đẹp… Năm 2016, tham gia mô hình bón phân cân đối cho cây cà phê, sau khi được phân tích đất để bổ sung những chất còn thiếu, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật bón phân, sử dụng liều lượng phân bón theo đúng chỉ dẫn, vườn cà phê của gia đình anh phát triển tốt hơn, tình hình sâu bệnh giảm và năng suất cao hơn được 30%... Anh Phúc chia sẻ: “Áp dụng mô hình này, năng suất và hiệu quả kinh tế của vườn cây đã có sự khác biệt đáng kể, năng suất được nâng lên, hiệu quả cao hơn so với vườn áp dụng chăm sóc theo tập quán cũ”. Tương tự, khi áp dụng mô hình này, vườn cà phê của gia đình anh Trần Thế Hanh (thôn 1, xã Ea Kiết) cũng thu được những kết quả tích cực, lá xanh hơn, tỷ lệ rụng quả giảm hẳn, từ đó năng suất cũng tăng lên khoảng 20%.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.