Phòng chống thiên tai: Cần sự chủ động từ nhiều phía
Diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường đang là thách thức đặt ra cho công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Do đó, để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai cần có sự chủ động vào cuộc từ nhiều phía.
Thiên tai diễn biến bất thường
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, năm 2016 và 7 tháng đầu năm 2017, thiên tai xảy ra dồn dập ở khắp các vùng trên địa bàn Đắk Lắk với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Cụ thể, do ảnh hưởng hiện tượng El Nino hoạt động mạnh và kéo dài khiến lượng mưa thiếu hụt, lượng dòng chảy giảm mạnh đã gây ra 2 đợt hạn hán khốc liệt và được đánh giá nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua. Hậu quả là vụ đông xuân 2015-2016 có 90.744 ha cây trồng các loại bị hạn, trong đó 8.692 ha bị mất trắng, trên 35.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; vụ hè thu 2016 có 18.717 ha cây trồng bị hạn, trong đó 7.754 ha bị mất trắng (chủ yếu là cây trồng ngắn ngày).
Nhân dân chưa kịp khắc phục thiệt hại do hạn thì đến cuối năm toàn tỉnh lại xảy ra 3 đợt lũ liên tiếp, trong đó có 2 đợt lũ lớn trái mùa (tháng 11 và 12) gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gồm 2 người chết; 22.652 ha cây trồng các loại, nhiều diện tích ao, lồng, chuồng trại chăn nuôi bị ảnh hưởng; hàng chục km kênh mương các loại và một số công trình thủy lợi đầu mối bị sạt lở, hư hỏng; hàng trăm km đường giao thông (chủ yếu giao thôn nông thôn) bị sạt lở, lầy lội; một số cầu tạm dân sinh bị hư hỏng, cuốn trôi.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng đã xảy ra 28 vụ lốc, sét làm ảnh hưởng 549 nhà dân, 64 phòng học, một số diện tích cây trồng và vật nuôi khác. Tổng thiệt hại ước tính 3.255 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 đợt mưa lớn trái mùa, gây ngập lụt và 15 vụ giông, sét, lốc, mưa đá gây thiệt hại 6.000 ha cây trồng các loại, hư hỏng 207 nhà dân, 20 phòng học bị tốc mái, hư hỏng, ước tính thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Mưa lớn cũng khiến tình trạng sạt lở đất đã xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh, đặc biệt nghiêm trọng là sạt lở đất do mưa lớn ở M’Đrắk (tại đèo 185, xã Cư San) làm hư hỏng nặng tuyến đường giao thông qua đèo; sạt lở bờ sông do lũ ở xã Ea R’bin, (huyện Lắk) ảnh hưởng đến nhà ở của 9 hộ dân.
Lũ cuốn trôi cầu ở xã Cư Prông (huyện Ea Kar) hồi cuối năm 2016. |
Trước tình hình trên, tỉnh và các địa phương xảy ra thiên tai đã đưa ra các phương án ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời. Tỉnh cũng đã phân bổ kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó, năm 2016 là 239,6 tỷ đồng và hỗ trợ cứu đói 1.500 tấn gạo (do Trung ương cấp). Riêng 7 tháng đầu năm 2017, đã phân bổ các khoản: 17 tỷ đồng khắc phục hậu quả lũ cuối năm; Trung ương hỗ trợ 2,87 tỷ đồng hỗ trợ giống khôi phục sản xuất cho diện tích cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do ngập lụt; 5,39 tỷ đồng hỗ trợ tu sửa khẩn cấp công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng…
Còn nhiều tồn tại cần khắc phục
Theo đánh giá của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mặc dù công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn những hạn chế so với yêu cầu thực tế như bản tin dự báo, cảnh báo chưa cụ thể, rõ ràng; thông tin phổ biến bản tin dự báo đến người dân chưa được quan tâm. Trong khi đó, ý thức của một số bộ phận người dân còn chủ quan trước thiên tai nên xảy ra trường hợp thiệt mạng do bất cẩn trong khi mưa lũ. Đáng báo động hơn là tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn đập, lòng hồ để sản xuất làm tăng nguy cơ thiệt hại cho bà con khi hồ thực hiện xả lũ; việc chấp hành luật pháp trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại một số cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư chưa cao dẫn đến nguy cơ rủi ro thiên tai gia tăng, công tác ứng phó đôi khi thiếu chủ động. Mặt khác, việc thực hiện xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro theo quy định của Luật phòng chống thiên tai ở các cấp (từ tỉnh tới xã) còn nhiều lúng túng, chất lượng kế hoạch, phương án còn mang tính hình thức; việc triển khai thông tư 05/2016/TT-BKHĐT về lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức nên thiệt hại do thiên tai gây ra hằng năm rất lớn. Đó là chưa kể đến các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, hiện nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng chưa được sửa chữa kịp thời, trở thành mối đe dọa xảy ra thiên tai.
Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, thời gian tới, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công; tỉnh cần duy trì bố trí kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; cho chủ trương thực hiện “Rà soát, bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh” trong năm 2017 và 2018; mở rộng dịch vụ tin nhắn trong việc truyền tin phục vụ chỉ huy, điều hành về phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; sửa chữa bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc