Chợ xây xong bỏ trống, có cần xây thêm chợ mới?
Trước đây, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) có 1 khu chợ tạm hoạt động từ năm 1982. Đến năm 2010, xã đầu tư xây dựng khu chợ trung tâm trên địa bàn thôn 3 với tổng kính phí hơn 1 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa để tạo chỗ kinh doanh, buôn bán ổn định cho khoảng 100 hộ tiểu thương.
Nhưng chợ trung tâm không cạnh tranh được với chợ tạm nên ngày càng thưa thớt, hiện chỉ có khoảng 12 tiểu thương buôn bán, chủ yếu bán tại lối ra vào chợ, còn khu vực nhà lồng đều bị bỏ trống, nhiều hạng mục như nhà quản lý, công trình vệ sinh, khu để xe đều đã xuống cấp.
Điều đáng nói, thay vì cần kiên quyết dẹp bỏ chợ tạm và có chính sách để thu hút tiểu thương về chợ trung tâm buôn bán thì UBND xã Ea Kao lại tiếp tục quy hoạch 3.065 m2 tại buôn Kao (đối diện với chợ tạm) để xây thêm chợ, dự kiến gồm các hạng mục: nhà lồng, ki ốt, nhà quản lý, nhà vệ sinh và hạ tầng kỹ thuật, với tổng mức đầu tư là hơn 8,7 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2,3 tỷ đồng (trích từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất tại các lô đất chợ tạm), kinh phí còn lại lấy từ việc đấu thầu 14 ki ốt trước chợ và sự đóng góp của các hộ tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại chợ.
Chợ trung tâm xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) chỉ có vài hộ tiểu thương buôn bán. |
Theo các tiểu thương buôn bán tại chợ trung tâm, trước đây khi tiến hành xây chợ, xã hứa sẽ xóa bỏ khu chợ tạm, nên nhiều người đã bỏ ra một số tiền khá lớn để được sở hữu một vị trí trong chợ; thậm chí có những người bỏ ra cả trăm triệu đồng mua 6-7 lô ở mặt tiền lẫn trong nhà lồng để buôn bán. Thế nhưng khi chợ trung tâm đi vào hoạt động, chợ tạm vẫn không được dẹp bỏ, dẫn đến nghịch cảnh chợ mới khang trang thì đìu hiu vắng vẻ, còn chợ tạm dù đã xuống cấp nhưng lại tấp nập kẻ bán người mua. Một số tiểu thương trong chợ trung tâm đành bỏ các lô sạp đã mua để ra bán ở khu vực ngoài cổng chợ, thậm chí có người ế ẩm quá đành quay lại chợ tạm.
Vậy nên việc quy hoạch xây dựng chợ mới của xã khiến tiểu thương không khỏi băn khoăn. Tiểu thương chợ trung tâm thấy rất lãng phí khi muốn vào chợ mới vì lại phải bỏ ra thêm một khoản tiền đầu tư. Tiểu thương buôn bán lâu năm tại chợ tạm thì cho biết, họ sẵn sàng đóng góp cho việc nâng cấp chợ để buôn bán được thuận lợi hơn chứ không đồng tình việc xây thêm chợ. Bà Vũ Thị Nghĩa (bán hàng mã ở chợ tạm) lý giải: “Bà con ở đây đều buôn bán nhỏ lẻ, chợ chủ yếu họp vào buổi sáng đến trưa là đã vãn khách, lời lãi chẳng là bao, có cần xây thêm chợ ?"
Trong khi đó, ông Phan Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Kao lại khẳng định: “Việc xây dựng chợ trung tâm và chợ mới đều xuất phát từ yêu cầu của người dân. Chợ trung tâm hoạt động không hiệu quả là do người dân đã quen với hoạt động buôn bán ở chợ tạm. Nhưng tôi tin rằng đến năm 2020 thì chợ sẽ kín, khi dự án sân gôn được thực hiện, điểm văn hóa, du lịch được hình thành. Chợ tạm đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác phòng cháy chữa cháy, tiểu thương thường xuyên tràn ra đường buôn bán gây mất an toàn giao thông nên việc xây chợ mới là cần thiết.”
Được biết, việc xây dựng 2 chợ nói trên đều nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị của tỉnh giai đoạn 2006-2020. Quy hoạch là thế nhưng thiết nghĩ việc xây chợ cần xuất phát từ điều kiện kinh tế, nhu cầu mua bán, trao đổi của người dân sở tại, từ đó mới phát huy được hiệu quả của công trình, tránh lãng phí.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc