Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp Krông Búk 1

08:05, 06/10/2017

Cụm công nghiệp (CCN) Krông Búk 1 nằm trên địa bàn xã Pơng Đrang được thành lập theo Quyết định số 514/QĐ-UBND, ngày 5-3-2005 của UBND tỉnh và được bàn giao về cho UBND huyện Krông Búk quản lý, với tổng diện tích 69,32 ha.

Với lợi thế là nằm gần Quốc lộ 14, địa hình bằng phẳng, được đầu tư 1 trạm biến áp điện 400 KVA và đường dây trung áp, bảo đảm cấp điện ổn định. Cùng với tiềm năng về lao động phổ thông và nguyên liệu nông sản trên địa bàn khá dồi dào là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tập trung sản xuất, kinh doanh...

Ông Lý Minh Vương, chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Búk cho biết, trên cơ sở các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, UBND huyện đã cụ thể hoá việc thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức như: tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá, cung cấp thông tin về điều kiện đầu tư - phát triển. Mặt khác, các phòng chức năng của huyện cũng hỗ trợ tối đa về giải quyết thủ tục hồ sơ pháp lý thông qua việc minh bạch hóa cơ chế, chính sách; tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, mặt bằng đất đai và hạ tầng kỹ thuật...

Điểm đáng chú ý là huyện Krông Búk đã đẩy nhanh thu hút đầu tư theo hướng phát triển chiều sâu bằng cách nâng cao chất lượng, hiệu quả của dự án đầu tư, khuyến khích các dự án đầu tư có công nghệ cao, công nghệ sạch, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường; quan tâm kêu gọi các dự án có khả năng thu hút lao động tại chỗ và tiêu thụ nguyên liệu cho địa phương.

Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của Công ty Cổ phần Đại Nam trong CCN Krông Búk 1.
Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của Công ty Cổ phần Đại Nam trong CCN Krông Búk 1.

Ông Lê Khắc Niệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam cho biết, công ty đang tập trung đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trong CCN Krông Búk 1. Phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào đều được thu mua trên địa bàn tỉnh như: than bùn, vỏ cà phê, bùn mía… Do có nguồn nguyên liệu tại chỗ khá dồi dào, phí vận chuyển thấp, kết hợp với công nghệ lên men, sản xuất hiện đại, sản phẩm phân bón Đại Nam bán ra thị trường trong tỉnh có giá thành thấp hơn từ 10-20%.

Còn với Công ty cổ phần Hoa Cương Đất Việt hiện có 3 nhà máy sản xuất trong CCN Krông Búk 1 với tổng diện tích 14,58 ha. Bà Nguyễn Thị Hà Thanh, Phó trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự công ty cho hay, việc đăng ký đầu tư vào CCN khá thuận lợi: thủ tục làm hồ sơ nhanh gọn; giá thuê đất đang được tỉnh hỗ trợ ở mức 45 đồng/m2/năm; được bàn giao mặt bằng đất sạch, có hệ thống điện đầy đủ, nguồn nước dồi dào…. Bên cạnh việc thu mua nông sản, khai thác tài nguyên tại địa phương để phục vụ nhu cầu sản xuất, công ty đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động phổ thông tại địa phương với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Vũ Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho biết, CCN Krông Búk 1 hiện có 12 dự án đầu tư đã được thỏa thuận vị trí và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích là 45,64 ha (tỷ lệ lấp đầy đạt 88%), trong đó có 8 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn ước khoảng 357 tỷ đồng, các dự án khác đang tiếp tục được triển khai. Nhìn chung các dự án đầu tư đang hoạt động tại CCN của huyện đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tăng thêm nguồn thu ngân sách huyện, giải quyết bài toán việc làm, tăng thu nhập cho người dân…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.