"Mật đắng" nghề nuôi ong
Đắk Lắk là địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển nghề nuôi ong, tuy nhiên những năm gần đây nhiều hộ chăn nuôi lại lâm vào cảnh lao đao vì sản lượng và giá giảm mạnh.
Ông Nguyễn Chí Toàn (khối 2, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những người có kinh nghiệm gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi ong. Ông Toàn chia sẻ: “Những năm trước đây ong nuôi liên tục được mùa, được giá nên lãi khá cao. Với 600 đàn ong, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được 30 tấn mật, sau khi trừ chi phí cho lãi trên 300 triệu đồng. Thế nhưng, riêng 3 năm trở lại đây nghề nuôi ong gần như không có lãi, sản lượng mật chỉ bằng 20% so với trước”. Theo ông Toàn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, đàn ong bị các loại bệnh thối ấu trùng nên hạn chế khả năng tạo mật. Không những sản lượng giảm mà giá mật cũng giảm, trước đây dao động từ 60 - 65 nghìn đồng/lít, nhưng nay chỉ còn 30 - 40 nghìn đồng/lít tùy theo từng loại mật. Do nghề nuôi ong khá bấp bênh nên cũng như nhiều hộ nuôi ong khác, hiện nay gia đình ông Toàn đã giảm đàn ong xuống chỉ còn 300 đàn.
Ông Nguyễn Chí Toàn kiểm tra đàn ong của gia đình. |
Hay như với hộ anh Trần Văn Sỹ (buôn Yao, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), nuôi 300 đàn ong, mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư đường, nguyên liệu, công vận chuyển, chăm sóc… cho thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng. Nếu như trước đây mỗi năm một thùng ong quay được 12 đợt với tổng sản lượng khoảng 50 lít thì nay chỉ thu được khoảng 20 lít. Bên cạnh đó, hiện nay giá bán mật giảm gần 50% nên việc nuôi ong của gia đình anh bị thua lỗ. Không những thế, do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên sản phẩm mật ong cũng bị tồn đọng vì các đại lý thu mua chỉ cho người nuôi ký gửi mật, đến khi nào xuất được mật mới thanh toán.
Trong khi người nuôi đang gặp khó khăn, tình cảnh của các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong cũng không sáng sủa hơn. Được biết, Đắk Lắk là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào nuôi ong và xuất khẩu mật ong. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 1.200 hộ nuôi ong với gần 200.000 đàn. Sản phẩm mật ong của địa phương đã có mặt tại thị trường các nước: Mỹ, Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nếu như năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu mật ong trên địa bàn tỉnh đạt trên 15 triệu USD thì những năm gần đây liên tục sụt giảm, nay chỉ đạt khoảng 10 triệu USD. Đặc biệt, giá xuất khẩu mật ong cũng chỉ dao động từ 1.600 USD- 1.800 USD/tấn (giảm 30% so với đỉnh điểm), thấp nhất từ năm 2006 đến nay.
Ông Lê Thanh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến cho ngành ong mật gặp khó khăn là do giá mật ong trước đây luôn ở mức cao nên nhiều người, nhiều địa phương đua nhau tăng sản lượng đàn khiến cung vượt cầu. Bên cạnh đó, tình trạng người nuôi ong chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm, dẫn đến lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng đường cao cũng đã ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu”. Được biết, việc mật ong có chứa tỷ lệ đường quá cao là do người nuôi vì lợi nhuận đã thúc ong ăn quá nhiều đường và không đảm bảo đủ thời gian sau 21 ngày mới vắt mật. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là từ nguồn thức ăn của ong. Nhiều người nuôi do thiếu kinh nghiệm nên đã cho ong hút mật ở những vườn cây vừa được phun thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến dư lượng thuốc trong mật cao…
Trước thực trạng này, người nuôi ong không nên phát triển đàn; đặc biệt cần nắm vững kỹ thuật nuôi, tuân thủ các quy định về vệ sinh dịch bệnh và chất lượng sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế. Song song đó, các ngành chức năng sớm có những chính sách hỗ trợ về kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mật ong; đồng thời tìm đầu ra ổn định để người dân yên tâm gắn bó và giữ vững nghề nuôi ong mật.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc