Multimedia Đọc Báo in

Mở rộng hợp tác kinh tế với Nhật Bản

08:52, 03/10/2017

Trong những năm qua, Chính phủ Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ có nhiều dự án thực hiện tại Đắk Lắk, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua không ngừng được củng cố, phát triển trên các lĩnh vực: thương mại, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục…, đặc biệt là viện trợ phát triển. Chính phủ Nhật Bản đã góp phần hỗ trợ tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong cả nước, cải thiện đời sống của người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng trên địa bàn tỉnh hiện có 6 dự án viện trợ phi chính phủ có tổng giá trị 687.000 USD và 21 dự án ODA của Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư trên 533 tỷ đồng, tập trung vào 4 lĩnh vực: công nghiệp, hệ thống giao thông, cấp nước sinh hoạt và hệ thống thủy lợi. Năm 2016, một số tập đoàn tài chính, ngân hàng Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đã đến thăm, khảo sát môi trường đầu tư của tỉnh. Đặc biệt năm 2017, tỉnh đã nhiều lần đón tiếp các đoàn của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, Cơ quan JICA của Nhật Bản tại Việt Nam tới thăm, dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017; giao lưu văn hóa, tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 được tổ chức tại tỉnh ta. 

Cầu Krông Kmar (huyện Krông Bông) thuộc Dự án tái xây dựng 41 cầu giao thông nông thôn tại miền Trung và Tây Nguyên do Nhật Bản đầu tư. Ảnh: H. Tuyết
Cầu Krông Kmar (huyện Krông Bông) thuộc Dự án tái xây dựng 41 cầu giao thông nông thôn tại miền Trung và Tây Nguyên do Nhật Bản đầu tư. Ảnh: H. Tuyết

Tuy nhiên, sự hợp tác này chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu của cả hai bên. Để tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư, tăng cường hợp tác, phát triển bền vững cho cả hai bên trên nhiều lĩnh vực, mới đây, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã cùng Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung dẫn đầu, thăm và làm việc với chính quyền và doanh nghiệp (DN) các tỉnh Nagano, Gunma, Kanagawa và Diễn đàn hợp tác đầu tư Việt Nam – Nhật Bản tại tỉnh Kanagawa (thành phố Yokohama)… Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tại các buổi làm việc, tỉnh đã giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến DN Nhật Bản; trao đổi về khả năng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất và chế biến cà phê, trồng, bảo quản và chế biến sản phẩm một số loại cây ăn quả, cây dược liệu, đào tạo nguồn nhân lực và kêu gọi đầu tư vào Khu công nghiệp Phú Xuân, xã Ea Đrơng (Cư M’gar) đang hình thành. Đến thăm và làm việc với chính quyền Phủ Osaka, tỉnh Nara, Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tại khu vực Kansai; Phòng Công nghiệp và Thương mại Osaka, Đoàn cũng đã đặt vấn đề hợp tác đầu tư, thương mại giữa các địa phương. Ngoài ra, kết thúc chuyến công tác xúc tiến đầu tư thị trường Nhật Bản, Đoàn đã làm việc với Công ty Mitsubishi Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh để giới thiệu các lĩnh vực thu hút đầu tư, kinh doanh vào Đắk Lắk. Hiện nay Công ty Mitsubishi đang rất quan tâm đến Đắk Lắk về đầu tư và thương mại, dự kiến sẽ thăm và làm việc với tỉnh ta vào tháng 10-2017 để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại địa phương.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, mặc dù mới là lần đầu tiên đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh đến làm việc với chính quyền và DN ở một số địa phương Nhật Bản, nhưng với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, bước đầu Đoàn đã có sự trao đổi thông tin cơ bản về tiềm năng thế mạnh của hai bên và nhận được sự quan tâm khá lớn, sự tiếp đón trân trọng từ phía bạn. Đoàn đã giới thiệu được nhiều thông tin cơ bản về môi trường đầu tư, tiềm năng thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk, đồng thời trao đổi về khả năng hợp tác đầu tư kinh doanh, sản xuất, thương mại, du lịch, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực với các đối tác Nhật Bản. Qua trao đổi và tìm hiểu, thấy được DN Nhật Bản đang có nhu cầu khá lớn về hợp tác đầu tư và giao lưu thương mại với Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù (cà phê, tiêu, ca cao, mật ong, bơ, sầu riêng, quả có múi, thảo dược...), đặc biệt là nhu cầu về tiếp nhận lao động trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và điều dưỡng, chăm sóc người già...

Đồng chí Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy (thứ hai từ phải sang) đến thăm và làm việc với Bệnh viện Nara Higashi - Đối tác của trường Đại học Tây Nguyên về đào tạo điều dưỡng trong chuyến công tác tại Nhật Bản vào tháng 9-2017.  Ảnh: T. Thắng
Đồng chí Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy (thứ hai từ phải sang) đến thăm và làm việc với Bệnh viện Nara Higashi - Đối tác của trường Đại học Tây Nguyên về đào tạo điều dưỡng trong chuyến công tác tại Nhật Bản vào tháng 9-2017. Ảnh: T. Thắng

Trong bối cảnh mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng, là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đầu tư của tỉnh đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các DN của tỉnh với cộng đồng DN Nhật Bản. Qua đó, thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa các địa phương hai nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2017-2022, tỉnh đề xuất JICA hỗ trợ đầu tư 65 công trình, dự án trên 4 lĩnh vực: giao thông; thủy lợi; cấp nước sinh hoạt; phòng chống rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu. Hiện tỉnh đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, đổi mới công tác vận động, kêu gọi, xúc tiến đầu tư để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư xã hội; điều chỉnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư để thu hút các nguồn vốn ODA, FDI cũng như vốn viện trợ phi chính phủ (NGO) đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn theo định hướng của địa phương. Trong đó, tập trung đầu tư vào khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng… nhằm tạo nền tảng quan trọng để tỉnh sớm trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp với 6 ngành được lựa chọn (ôtô và phụ tùng ôtô, máy nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông thủy sản, điện tử, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, đóng tàu).

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc