Multimedia Đọc Báo in

Thêm nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

08:25, 04/10/2017

Nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn, giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Krông Pắc đã xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, giai đoạn 2016-2020, với kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng/năm. Nhờ có thêm nguồn lực này, nhiều hộ nông dân đã có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi…

Sở hữu hơn 3 sào đất trồng cà phê già cỗi xen canh một số trụ tiêu, từ lâu ông Trần Văn Minh, thôn Tân Hòa 2 (xã Ea Knuếk) muốn chuyển đổi, nhổ bỏ một phần diện tích cà phê không hiệu quả để trồng tiêu song không có vốn. Chính vì vậy, khi nghe thông tin Hội Nông dân huyện có Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông cùng với 9 hộ khác trong thôn cũng có nhu cầu vay thành lập một tổ, bàn bạc cách xây dựng mô hình, dự án trồng cà phê xen canh tiêu để cùng với những mô hình, dự án khác của xã cạnh tranh nguồn vốn ưu đãi này. Kết quả là với mô hình phát triển kinh tế có tính khả thi cao, tổ vay vốn của ông đã nhận được 500 triệu đồng hỗ trợ, chia đều cho 10 người. Với số tiền được vay 50 triệu đồng, ông mạnh dạn phá bỏ diện tích cà phê già cỗi, đầu tư đổ trụ bê tông trồng 250 gốc tiêu mới. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn tiêu phát triển tốt, ông tin tưởng chỉ sau 2 năm, khi tiêu cho thu hoạch, ông sẽ hoàn trả 100% vốn vay cho Quỹ.

Hội viên tổ vay vốn thôn Tân Hòa 2 trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng tiêu xen canh cà phê.
Hội viên tổ vay vốn thôn Tân Hòa 2 trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng tiêu xen canh cà phê.

Tương tự, ông Lê Ngọc Phong, hội viên của tổ vay vốn thôn Tân Hòa 2, trước đây cũng có 1 ha chuyên canh cây cà phê, sau khi được vay 50 triệu đồng, ông mua hơn 300 cây muồng với giá từ 50.000 - 70.000 đồng/cây về xen canh trong rẫy để làm trụ trồng tiêu, mở rộng quy mô trồng trọt. Với sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu của các hộ cùng tổ vay vốn, vườn tiêu của gia đình ông cũng sinh trưởng tốt. Chỉ hai năm nữa, ngoài nguồn thu từ cây cà phê, ông có thêm thu nhập từ cây tiêu, kinh tế gia đình sẽ phát triển hơn.

Ngoài nguồn vốn 2,5 tỷ đồng từ ngân sách huyện, hiện Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Krông Pắc đang vận động xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau, phấn đấu tăng thêm nguồn quỹ này trong giai đoạn 2016-2020 lên 7 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc Nguyễn Công Hiếu cho biết: “Xuất phát từ thực tế nhu cầu vay vốn trong nông dân ngày càng lớn, Hội Nông dân huyện đã xây dựng Đề án phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, giai đoạn 2016-2020 và được HĐND huyện nhất trí thông qua”. Theo đó, mỗi năm ngân sách địa phương sẽ trích 500 triệu đồng để hỗ trợ nông dân dưới hình thức cho vay theo tổ, nhóm. Muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này, nông dân các xã, thị trấn phải thành lập tổ vay vốn hoặc tổ hợp tác và xây dựng những mô hình, dự án phát triển kinh tế cụ thể, có tính khả thi để Ban điều hành Quỹ của huyện tiến hành khảo sát, thẩm định một cách công khai, khách quan các yếu tố: năng lực tài chính, vốn đối ứng, mức độ rủi ro, khả năng hoàn trả, bảo toàn nguồn vốn trước khi quyết định trao tiền hỗ trợ. Các mô hình, dự án phát triển kinh tế nếu được hỗ trợ sẽ đóng mức phí điều hành là 0,7%/tháng trong 3 năm nhằm phục vụ cho hoạt động quản lý, sử dụng, vận động, huy động vốn…

Ngoài mục đích tiếp thêm nguồn lực, giúp nông dân xây dựng, nhân rộng  các mô hình kinh tế, mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi… thì việc thành lập, xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân còn là một hình thức, giải pháp thu hút, tập hợp nông dân tham gia sinh hoạt Hội rất hiệu quả. Đơn cử như tại tổ vay vốn thôn Tân Hòa 2, ý thức trách nhiệm với nguồn vốn được hỗ trợ nên mọi người tự giác, thường xuyên gặp gỡ, cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu, tham khảo sách báo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc tiêu cũng như sẵn sàng chia sẻ, phổ biến những kinh nghiệm hay rút ra từ thực tiễn cho những nông dân khác trên địa bàn. Qua đó thu hút thêm nhiều hội viên tham gia sinh hoạt Hội Nông dân của thôn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.