Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Ea H'leo: "Vướng" các tiêu chí hạ tầng

08:25, 04/10/2017

Dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng huyện Ea H’leo vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội.

Những kết quả bước đầu

Để chương trình NTM có sức lan tỏa mạnh mẽ và đạt hiệu quả, huyện Ea H’leo đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi như: Mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch ruộng nương” của Hội Nông dân, phong trào “5 không 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ, “ Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM” của Đoàn thanh niên hay Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của MTTQ Việt Nam... Các phong trào này đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện chương trình NTM.

Một trong những yếu tố quan trọng tạo sự chuyển biến trong chương trình NTM ở huyện Ea H’leo là đóng góp của người dân trong xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, nhà văn hóa, đường điện... Tuy thu nhập của người dân còn thấp, khả năng đóng góp không nhiều nhưng cũng đã góp phần giúp các xã có điều kiện hoàn thành nhiều hạng mục trong tiêu chí hạ tầng. Điển hình như xã Ea Nam, từ đầu năm đến nay đã huy động người dân đóng góp 1,5 tỷ đồng và hàng trăm ngày công xây dựng hệ thống mương thoát nước tại buôn Briêng A, gần 1 km đường giao thông nông thôn tại các thôn, buôn, 1 hội trường thôn và nhiều công trình phúc lợi khác. Hay như  xã Ea Hiao, đã huy động dân và các tổ chức đóng góp 460 triệu đồng và trên 100 ngày công xây dựng tuyến đường bê tông dài 300 mét và 1 cầu bê tông qua suối. Tại xã Ea Khăl, người dân đóng góp 330 triệu đồng xây dựng 1 nhà văn hóa thôn và hàng trăm mét đường bê tông. Ở xã Ea Wy, nhân dân đóng góp 100 triệu đồng, 860 ngày công và hiến 1.580 m2  đất để làm gần 6 km đường cấp phối…

Một tuyến đường bê tông tại thôn 1, xã Ea Tir được xây dựng từ đóng góp của người dân.
Một tuyến đường bê tông tại thôn 1, xã Ea Tir được xây dựng từ đóng góp của người dân.

UBND huyện Ea H’leo cho biết, trên địa bàn huyện có xã Dliê Yang đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM, dự kiến cuối năm nay có thêm 2 xã đạt chuẩn là Ea Ral và Ea Nam. Từ đầu năm đến nay, các xã đã huy động người dân đóng góp hơn 6,8 tỷ đồng, 1.000 ngày công và hàng ngàn mét khối đất, đá để xây dựng 1 chợ xã, 2 km đường bê tông, 7 km đường cấp phối, 2 cầu qua suối, 3 hội trường thôn và 550 mét đường điện chiếu sáng… Những con số này với địa bàn còn nhiều khó khăn như huyện Ea H’leo là rất đáng ghi nhận; tuy nhiên, so với nhu cầu thì kết quả đó vẫn còn hạn chế.

Nhiều xã chưa đạt tiêu chí hạ tầng

Toàn huyện Ea H’leo hiện đạt tổng cộng 137/209 tiêu chí NTM, bình quân đạt 12,45 tiêu chí/xã.  Tuy nhiên, ngoài các xã Dliê Yang, Ea Ral và Ea Nam, 8 xã còn lại hầu hết đều gặp khó khăn ở các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, điện nông thôn, chợ, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, bưu điện. Cụ thể, qua rà soát của địa phương cho thấy, hiện có 9/11 xã chưa hoàn thành tiêu chí giao thông; thủy lợi 2/11 xã; điện 1/11 xã; trường học 6/11 xã; văn hóa 8/11 xã; chợ 3/11 xã; bưu điện 2/11 xã chưa đạt.

Riêng xã Ea Tir hầu như chưa đạt tiêu chí nào về hạ tầng kinh tế. Cụ thể, về giao thông, đa số các tuyến đường liên thôn, nội đồng còn là đường đất, lầy lội vào mùa mưa; hệ thống công trình thủy lợi và kênh mương chưa được cứng hóa, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất; về điện, còn 2 thôn chưa có điện lưới Quốc gia và đường điện tại một số điểm dân cư chưa bảo đảm an toàn; cơ sở vật chất trường lớp chưa bảo đảm quy định về chất lượng; 3 thôn, buôn chưa có nhà văn hóa cộng đồng. Đến thời điểm này, Ea Tir mới hoàn thành 7 tiêu chí NTM, là xã đạt ít tiêu chí nhất ở huyện Ea H’leo. Ông Phùng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tir cho biết, địa phương gặp khó khăn về hạ tầng do xã nằm ở địa bàn vùng sâu vùng xa, mới thành lập chưa lâu, các công trình hạ tầng hầu như phải xây dựng lại từ đầu.

Phó trưởng Phòng NN-PTNT Nguyễn Anh Khuấn, thành viên Ban Chỉ đạo NTM huyện Ea H’leo cho biết, các xã gặp khó về nhóm tiêu chí hạ tầng do xuất phát điểm thấp, các tiêu chí này cần nhiều kinh phí thực hiện, ngân sách đầu tư không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, chậm phân bổ và đầu tư dàn trải, manh mún. Bên cạnh đó, sự tham gia của các doanh nghiệp xây dựng NTM vẫn còn hạn chế. Do đó, thời gian tới, địa phương sẽ ưu tiên lựa chọn triển khai các công trình hạ tầng cơ bản, thiết yếu, trong đó, chú trọng công trình gắn trực tiếp với phát triển sản xuất và đời sống người dân; nhân rộng những mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM;  đồng thời, phát huy mạnh hơn sự tham gia của người dân và doanh nghiệp đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.