Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ những mô hình khuyến nông ở huyện Ea H'leo

13:22, 01/11/2017

Nhằm giúp người dân trên địa bàn tiếp cận với những kỹ thuật mới và áp dụng vào trong sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, Trạm Khuyến nông huyện Ea H’leo đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông về trồng trọt, chăn nuôi.

Vườn cà phê của gia đình chị H’Đa Kpă ở buôn Hiao, xã Ea Hiao đã già cỗi, năng suất thấp. Năm 2015, gia đình chị H’Đa được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ thực hiện mô hình tái canh cà phê theo hướng bền vững. Theo đó, gia đình chị được hỗ trợ các giống cà phê chất lượng cao như TR11, TR9 và được cán bộ Trạm Khuyến nông thường xuyên tập huấn, hướng dẫn phương pháp trồng, chăm sóc cây cà phê như: liều lượng và cách bón phân đúng thời điểm, dùng phân vi sinh, cắt tỉa cành, tạo tán… Chị H’Đa cho biết: “Vườn cà phê của cả gia đình năm nay mới bắt đầu cho thu bói nhưng qua kiểm tra, tôi thấy cây cho trái to, chắc, đều, cành dự trữ đẹp”.

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ea H'leo (giữa) kiểm tra mô hình lúa lai Bio 404 tại xã Ea Hiao.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ea H'leo (giữa) kiểm tra mô hình lúa lai Bio 404 tại xã Ea Hiao.

Gia đình ông Y Tao Ksơr ở buôn Tung Tăk, xã Ea Ral, có hơn 5 sào lúa nhưng lâu nay canh tác theo phương thức truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao. Vụ thu đông 2017, ông Y Tao được tham gia mô hình trồng lúa lai Bio 404 do Trạm Khuyến nông huyện triển khai cho 29 hộ dân tộc thiểu số trong buôn. Từ khi tham gia mô hình, được cán bộ của Trạm Khuyến nông hướng dẫn ông đã biết kỹ thuật ngâm ủ giống, cách bón phân, chăm sóc lúa theo quy trình… Tuy chưa thu hoạch nhưng năng suất có khả năng đạt 8 tạ/sào, cao hơn giống lúa sản xuất đại trà mà gia đình trồng trước đây.

Không riêng gia đình ông Y Tao, các hộ tham gia mô hình trồng lúa lai Bio 404 đều phấn khởi. Ông Y Yếu Ksơr, trưởng buôn Tung Tăk cho biết buôn có 107 hộ, trong đó có 70 hộ dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên tổ chức nhiều mô hình trình diễn phù hợp với tập quán canh tác của nông dân như lúa, cà phê… nên bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ea H'leo hướng dẫn người dân phương pháp làm cành dự trữ cho cây cà phê.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ea H'leo hướng dẫn người dân phương pháp làm cành dự trữ cho cây cà phê.

Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện còn triển khai nhiều mô hình chế biến phân vi sinh từ vỏ cà phê; bón phân cân đối trên vườn cây cà phê trồng xen tiêu; khảo nghiệm các giống bắp mới, như: P4181, P4311, P4124…, cải tạo đàn bò… Đồng thời cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng nghìn lượt hộ trên địa bàn tham gia. Hiện nay 12/12 xã, thị trấn và 100% thôn, buôn có đội ngũ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông. Đây là lực lượng tiên phong trực tiếp chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn bó sâu sát với công việc hằng ngày của bà con nông dân.

Theo ông Hà Tuấn Hợi, Trạm Trưởng Khuyến nông huyện Ea H’leo, các mô hình được Trạm lựa chọn để triển khai trong thời gian qua ngoài yếu tố cây, con giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương còn dựa trên nhu cầu thị trường và khả năng áp dụng trong thực tế. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên việc mở rộng các mô hình khó khăn; thời gian tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp ngắn; một số hộ nông dân chưa thực hiện đúng các yêu cầu đã ký kết với tổ chức, doanh nghiệp trong triển khai mô hình… dẫn đến nhiều mô hình chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Để nâng cao hiệu quả của các mô hình khuyến nông cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ khuyến nông trong việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả và đề xuất xây dựng các mô hình phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp của huyện.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.