Multimedia Đọc Báo in

Khắc phục công trình thủy lợi bị hư hỏng để bảo đảm nước tưới vụ đông xuân

09:46, 22/11/2017

Mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão 12 vừa qua đã khiến nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm nước tưới cho vụ đông xuân 2017-2018.

Theo Chi cục Thủy lợi, đến thời điểm này, cơ bản các công trình thủy lợi đã tích đủ nước để chuẩn bị cho vụ đông xuân 2017-2018. Tuy nhiên, do mưa lớn kèm với lũ hồi đầu tháng 11-2017 khiến nhiều công trình, tuyến kênh vốn đã hư hỏng, xuống cấp hoặc mới sửa chữa tạm thời bị hư hại nặng hơn, làm giảm năng suất tưới nước và gây mất an toàn hồ, đập. Đơn cử như các công trình ở huyện M’Đrắk, toàn huyện có 60 công trình thủy lợi, hầu hết đều đã xuống cấp, bị bồi lắng qua nhiều năm.
 
 Nhân viên thủy lợi huyện Lắk đang dọn rác, khơi thông cống các  công trình thủy lợi.
Nhân viên thủy lợi huyện Lắk đang dọn rác, khơi thông cống các công trình thủy lợi.
Trong đợt mưa bão vừa qua, nhiều hệ thống cống, tràn bị bồi lấp, đặc biệt, đập dâng buôn Hạp (xã Ea Trang) bị vỡ một phần khiến việc tích nước cho vụ đông xuân gặp khó khăn. Hay huyện Krông Năng, có 7 công trình bị hư hỏng do mưa lũ, trong đó nghiêm trọng nhất là tràn xả lũ công trình thuỷ lợi Ea Buih (xã Ea Puk) bị sạt lở và hỏng đáy tràn, nguy cơ hư hỏng cầu qua tràn; đuôi tràn xả lũ công trình thủy lợi số 5 (xã Ea Tân) bị sạt lở sâu…
 
Tình trạng này đã ảnh hưởng đến việc tích nước cũng như cung cấp nước tưới cho các loại cây trồng trên địa bàn. Tại huyện Ea Súp, đợt mưa lũ vừa rồi cũng làm cho 33,6 km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, cuốn trôi (trong đó kênh tưới 23,6 km, kênh tiêu 10 km). Phòng NN-PTNT huyện cho biết, vụ đông xuân 2017-2018 dự kiến toàn huyện sẽ gieo trồng 6.854 ha cây trồng ngắn ngày các loại, nếu không sửa chữa kịp thời hệ thống kênh mương sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cung cấp nước tưới cho các cây trồng trong mùa khô sắp tới.
 
Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh, hiện đơn vị  đang quản lý 323 công trình, trong đó có 12 trạm bơm, còn lại là hồ, đập. Nhờ chủ động sửa chữa những hư hỏng ngay từ đầu mùa mưa nên hầu hết các công trình do Công ty quản lý đều an toàn, không xảy ra sự cố. Tuy nhiên, một số hạng mục đầu mối, gồm đập đất, tràn xã lũ đã có những hư hỏng như: thấm mái đập, mái thượng chưa được gia cố, đuôi tràn đã bị xói từ trước, khi có mưa lớn đã gây ra một số hư hỏng, đặc biệt là các tuyến kênh mương chạy dọc theo sườn đồi (trên địa bàn các huyện M’Đrắk, Krông Bông, Ea Kar, Lắk) hầu hết đều bị sạt lở và bồi lấp nghiêm trọng. Để kịp thời khắc phục các sự cố công trình, ngay sau khi cơn bão số 12 đi qua, Công ty đã khẩn trương kiểm tra, tổng hợp phần bị hư hỏng của các công trình để có hướng khắc phục.
Cán bộ Ban chỉ huy Phòng chống thiên taivà tìm kiếm cứu nạn tỉnh đi kiểm tra tình hình hư hỏng của các công trình thủy lợi ở huyện Lắk.
Cán bộ Ban chỉ huy Phòng chống thiên taivà tìm kiếm cứu nạn tỉnh đi kiểm tra tình hình hư hỏng của các công trình thủy lợi ở huyện Lắk.

Dự kiến, vụ đông xuân 2017-2018, các công trình thủy lợi do Công ty quản lý sẽ phục vụ nước tưới trên 50.000 ha cây trồng các loại. Hiện 180 hồ đã đạt mực nước dâng bình thường, 39 hồ ở mức 70 - 90%, 11 hồ ở mức 50 - 70%, 4 hồ dưới 50% và 3 hồ vẫn cạn nước do đang sửa chữa, nạo vét.

Với tình hình nguồn nước như hiện nay, nhìn chung sẽ bảo đảm đủ tưới cho vụ sản xuất sắp tới. Tuy nhiên, ở một số địa bàn có công trình bị hư hỏng nghiêm trọng và các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Cư M’gar có nhiều hồ chứa diện tích lưu vực nhỏ, nguồn nước đến không có nên nguy cơ bị thiếu nước về cuối vụ là khá cao. Vì vậy ngay từ đầu vụ, bên cạnh việc yêu cầu tưới nước tiết kiệm, Công ty cũng thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và nguồn nước đến tại các hồ chứa để xây dựng phương án phòng chống hạn về cuối vụ.

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh cho biết, trên cơ sở thống kê thiệt hại do mưa bão gây ra, Công ty đã lập dự trù kinh phí đề nghị UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh hỗ trợ 25,5 tỷ đồng để đơn vị kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, phục vụ tốt cho sản xuất đông xuân 2017-2018.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.