"Sốt" cây giống sầu riêng
Vượt qua hồ tiêu, năm nay sầu riêng được mệnh danh là “cây trồng tỷ phú” khi giá sầu riêng quả thu mua tại vườn luôn ở mức cao khiến nhiều người đổ xô trồng loại cây này, tạo nên cơn sốt ảo về giống.
Theo ghi nhận từ các vựa sản xuất, kinh doanh cây giống sầu riêng tại Đắk Lắk, hiện giá cây giống bán ra tại các cơ sở năm nay tăng mạnh, từ 50.000-60.000 đồng/cây lên đến 110.000-120.000 đồng/cây giống cơm vàng hạt lép 2 năm tuổi; 45.000-50.000 đồng/cây sầu riêng thường (tăng 10.000-15.000 đồng/cây). Ông Nguyễn Huy Thạch, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, sở dĩ cây giống sầu riêng năm nay đắt hàng do giá sầu riêng trái thu mua tại vườn tăng vọt, đầu vụ là 40.000-43.000 đồng/kg, cuối vụ tăng lên 75.000-80.000 đồng/kg đẩy nhu cầu trồng loại cây này tăng theo. Chưa kể, không chỉ cây giống mà giá hạt giống sầu riêng cũng tăng mạnh, bình quân 16.000-18.000 đồng/kg hạt tươi (tăng 7.000-9.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái); giá cây sầu riêng thực sinh 1 năm tuổi cũng tăng từ 8.000-10.000 đồng/cây, lên 16.000-20.000 đồng/cây.
Một cơ sở kinh doanh cây giống sầu riêng ở phường Tân An ( TP. Buôn Ma Thuột). |
Nhu cầu tăng cao, các nhà ươm cây giống không đủ hàng cung cấp nên nhiều cơ sở kinh doanh đã nhập cây giống từ miền Tây về trồng. Theo phân tích của các nhà chuyên môn về trồng sầu riêng thì cây giống được sản xuất ở Tây Nguyên thích nghi tốt hơn so với cây giống nhập từ nơi khác về, bởi mỗi vùng có đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Miền Tây thời tiết nắng nhiều nhưng khí hậu ôn hòa quanh năm, trái lại khí hậu Đắk Lắk phổ biến hai mùa rõ rệt, những năm gần đây còn chịu tác động của biến đổi khí hậu, thường xuyên xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài, mưa dầm, bão… khiến cây trồng dễ bị nhiễm sâu bệnh, thiệt hại nặng nề. Ông Cao Bá Thành, chủ một vườn sầu riêng xen canh cà phê rộng 1 ha ở huyện Cư M’gar cho hay, cùng mua cây giống tại một điểm bán về trồng cùng thời điểm, chế độ chăm sóc như nhau, nhưng có cây rất sai quả (chỉ sau 6 năm trồng thu về trên dưới 50kg quả mỗi năm), và tăng dần đều qua các năm, nhưng cũng có những cây sau 10 năm trồng mới cho ra lứa đầu tiên, chất lượng lại rất kém, rõ ràng giống không bảo đảm nhưng chủ vườn kinh doanh cây giống vẫn xuất bán cho nông dân!
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới ưa nhiều ánh sáng nên cần phải trồng thưa, khoảng cách thích hợp cho sầu riêng DONA là 8-12 mét/cây, mật độ trồng khoảng 120 cây/ha. Sầu riêng là cây thụ phấn chéo nên trồng nhiều loại giống khác nhau trên một vườn, trong đó cây chủ lực chiếm trên 50% hoặc thiết kế trồng 1 hàng giống chủ lực, 1 hàng giống khác để tăng năng suất.
Trị bệnh khô cành xì mủ trên cây sầu riêng ở huyện Krông Pắc. |
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển sinh học Dona-Techno cho rằng, hiện trên thị trường có rất nhiều giống sầu riêng khác nhau. Riêng Công ty độc quyền sản xuất cây giống sầu riêng DONA và chỉ cung cấp cho các chi nhánh trực thuộc theo đơn đặt hàng của nông dân từ trước với hóa đơn, chứng từ theo yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, trên thị trường, cây giống nhái DONA xuất hiện tràn lan, do đó bà con nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn điểm mua cây giống uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm.
Sầu riêng đã đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ nông dân, nhưng đến nay, đầu ra của loại nông sản này vẫn chưa ổn định, chủ yếu là xuất quả tươi. Trong khi đó, bản thân trái sầu riêng là nông sản khó bảo quản sau thu hoạch và thường chín đại trà, do đó, người dân cũng nên thận trọng khi tăng diện tích trồng bởi thị trường trái cây luôn ẩn chứa nhiều biến động, và một khi cung vượt cầu ắt sẽ giảm giá, lúc đó phần thua thiệt vẫn thuộc về nông dân.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 ha sầu riêng, chủ yếu được trồng xen canh trong vườn cà phê, tập trung ở các huyện Krông Pắc, Krông Năng, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột… |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc