Huyện Lắk chú trọng công tác khuyến nông
Xác định khuyến nông là đầu tàu trong phát triển nông nghiệp ở địa phương, những năm qua, huyện Lắk luôn chú trọng công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân.
Từ xã hội hóa về giống…
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, những kinh nghiệm được đúc kết ấy từ người nông dân cho thấy giống là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất giống gần như không thể đối với ngành nông nghiệp huyện Lắk do thiếu nhân lực, kinh phí… Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho hoạt động khuyến nông lại quá hạn hẹp nên địa phương phải từng bước đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng các mô hình giới thiệu giống cây trồng, vật nuôi mới. Trong đó, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với các công ty sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi trên cả nước để xây dựng các mô hình trình diễn nhằm giới thiệu các loại cây, con mới gắn với quy trình, kỹ thuật sản xuất tương ứng cho nông dân.
Điển hình như Công ty giống cây trồng Advanta năm 2017 đã xây dựng thành công mô hình trình diễn giống ngô mới PAC 558, PAC 669, với tổng diện tích 1 ha tại Buôn Liêng 1, xã Đắk Liêng. Ông Nông Văn Lập, nông dân thực hiện mô hình cho biết, qua thực tiễn sản xuất cho thấy, hai giống ngô này có cây to, khỏe, bộ rễ chân kiềng, chịu hạn và lạnh rất tốt, năng suất bình quân 12-13 tấn tươi/ha. Đặc biệt, khi thu hoạch, bộ lá vẫn còn xanh nên được gia đình tận dụng làm thức ăn chăn nuôi bò, dê, cá...
Còn với Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương cũng xây dựng thành công mô hình giống lúa thuần Kim cương 111 trên địa bàn huyện. Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông huyện thì giống lúa phát triển tốt, thích hợp nhiều chân đất, kháng chịu bệnh đạo ôn, bạc lá tốt, năng suất đạt 11 tấn/ha. Tương tự, giống lúa lai thương phẩm BiO 404 cũng chống chịu được sâu bệnh hại và thời tiết bất lợi, năng suất ước đạt 11 tấn/ha.
Người dân tham quan mô hình trình diễn giống ngô PAC 558 tại xã Đắk Liêng. |
Về chăn nuôi, bò là vật nuôi phổ biến trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, đa phần đều là giống bò địa phương, chất thịt thơm ngon nhưng vóc dáng nhỏ, do đó địa phương đang thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đến thời điểm này, các dẫn tinh viên của Trạm đã thụ tinh nhân tạo cho 120 con bò cái của các hộ dân trên địa bàn. Hiện đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến sẽ sinh bê con vào đầu năm 2018.
… đến chuyển giao công nghệ mới
Lắk là huyện nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao và đa phần đều sống phụ thuộc vào nông nghiệp, do đó việc giới thiệu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi cách thức sản xuất cho người dân. Năm 2017, Trạm phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm tại xã Đắk Phơi. Bà Triệu Thị Phương, thôn Cao Bằng cho biết, đầu năm 2017 gia đình bà được hỗ trợ lắp đặt mô hình tưới nước nhỏ giọt trên 0,5 ha tiêu. Đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn xã nên người dân đến tham quan, tìm hiểu rất nhiều. Qua quá trình sản xuất cho thấy, việc lắp đặt hệ thống này giúp gia đình tiết kiệm nước tưới, chi phí nhân công bón phân chăm sóc vườn cây...
Cán bộ khuyến nông huyện kiểm tra mô hình tưới nước tiết kiệm tại gia đình bà Triệu Thị Phương xã Đắk Phơi. |
Theo ông Bùi Quang Tuyển, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện, tập quán sản xuất của người dân từ trước đến nay đa phần đều quen với việc tưới nước theo kiểu truyền thống nên rất lãng phí. Việc lắp đặt và vận hành thành công hệ thống tưới tiết kiệm nước đã giới thiệu đến hộ nông dân công nghệ sản xuất mới, qua đó từng bước nâng cao ý thức sử dụng nước tưới hợp lý trong sản xuất, chăm sóc cây trồng…
Năm 2017, bên cạnh việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật theo các chỉ tiêu của UBND huyện giao (24 lớp, 1.200 lượt nông dân tham gia), Trạm Khuyến nông huyện còn tổ chức 28 lớp tập huấn theo nhu cầu của người dân với 842 lượt nông dân tham gia tại các xã Yang Tao, Bông Krang, Đắk Phơi, Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Nuê, Nam Ka... về chuyển giao các quy trình kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng, trị bệnh cho vật nuôi, trồng dâu nuôi tằm... |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc