Khởi nghiệp thành công với rượu cần Thái
Hưởng ứng phong trào thanh niên “lập thân, lập nghiệp” phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, anh Lương Văn Dũng, dân tộc Thái ở buôn Thái, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) đã khởi nghiệp thành công với mô hình rượu cần Thái Tây Nguyên.
Gia đình vốn làm nghề nấu rượu cần, từ nhỏ anh Dũng đã được học về cách nấu rượu cần của dân tộc mình. Ban đầu, anh nấu rượu cần chủ yếu để phục vụ nhu cầu mua bán nhỏ lẻ của những người dân trong buôn hoặc nấu cho bạn bè thưởng thức xem rượu cần Thái khác gì so với rượu cần Êđê. Thấy nhu cầu về rượu cần Thái ngày càng tăng cao, anh Dũng nảy sinh ý định phát triển kinh tế bằng mô hình sản xuất rượu cần Thái Tây Nguyên.
Anh Lương Văn Dũng với sản phẩm rượu cần Thái Tây Nguyên. |
Nghĩ là làm, từ năm 2015 anh Dũng bắt đầu lên kế hoạch thực hiện việc sản xuất rượu cần Thái. Bước đầu khởi nghiệp, anh cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm sản xuất rượu cần, một số thiết bị phục vụ sản xuất rượu cần không có trên địa bàn tỉnh mà phải nhập từ các tỉnh thành khác về, việc thỏa thuận giá thành thấp nhất để lấy số lượng lớn ché rượu cần… Để khắc phục, anh Dũng đã tích cực học tập kinh nghiệm nấu rượu cần của các thành viên trong gia đình và cộng đồng nhằm bảo đảm bảo rượu đúng với hương vị của rượu cần Thái quê hương. Ngoài vốn tích lũy, anh còn được Huyện Đoàn Cư M’gar hỗ trợ cho vay vốn nguồn quỹ “Khởi nghiệp” để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất rượu cần với diện tích 60 m2, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất rượu cần. Men lá làm rượu cần được anh nhập từ quê hương ở huyện Tương Dương, Nghệ An về. Anh Dũng chia sẻ, rượu cần Thái có ba thành phần chính là gạo nếp, trấu nếp và men lá. Làm ra được một ché rượu cần Thái ngon thì chủ yếu là phải chọn được gạo nếp ngon, dẻo và sử dụng men lá đặc trưng của dân tộc Thái.
Anh Lương Văn Dũng
|
Ché rượu cần có nhiều thể tích khác nhau từ 3 lít đến 30 lít với giá thành giao động từ 120.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/ché. Sản phẩm Rượu cần Thái Tây Nguyên của anh Dũng đã được cấp giấy phép sản xuất - kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Số lượng rượu cần sản xuất trong năm tùy theo vào nhu cầu của thị trường, cao nhất là vào thời điểm giáp Tết; như Tết Nguyên đán 2017, cơ sở của anh sản xuất hơn 2.000 ché rượu cần. Hiện nay, bình quân mỗi tháng mô hình sản xuất rượu cần Thái Tây Nguyên mang lại cho gia đình anh Lương Văn Dũng nguồn thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí).
Với mong muốn quảng bá rộng rãi hơn thương hiệu rượu cần Thái Tây Nguyên, anh Dũng đã xây dựng thêm một cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản rượu cần Thái Tây Nguyên tại thôn 15, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) và xây dựng kế hoạch giới thiệu, quảng bá thương hiệu thông qua các trang mạng xã hội, các đại lý phân phối sản phẩm rượu cần và đăng ký bán sản phẩm tại các gian hàng hội chợ, triển lãm.
Với sự năng động, tích cực trong phát triển kinh tế, anh Lương Văn Dũng đã được Tỉnh Đoàn tuyên dương “Thanh niên Nông thôn thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Đắk Lắk” tại Ngày Hội Thanh niên Nông thôn và tuyên dương các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi năm 2017.
H’Xiu Êban
Ý kiến bạn đọc