Multimedia Đọc Báo in

Khu Kinh tế - Quốc phòng Cư M'gar: Phát triển kinh tế gắn với củng cố thế trận quốc phòng

07:43, 13/12/2017

Từ vùng đất nghèo nàn, lạc hậu về kinh tế, phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, sau hơn 12 năm đầu tư xây dựng, Khu Kinh tế - Quốc phòng (KT – QP) Cư M’gar đã vươn lên trở thành điển hình về nông thôn mới, góp phần tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội  và củng cố quốc phòng – an ninh vùng Tây Nguyên.  

Từ xuất phát điểm thấp…

Dự án đầu tư Khu KT – QP Cư M’gar của Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (Quân khu 5) được Bộ Quốc phòng phê duyệt năm 2005. Theo đó, Khu KT – QP Cư M’gar có tổng diện tích 17.454 ha, nằm trên địa giới hành chính 103 thôn, buôn của 7 xã, phường thuộc 4 huyện ở hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, gồm các xã Ia Sao, Ia Đêr, huyện Ia Grai (Gia Lai); Cư Pơng, huyện Krông Búk; Ea Knuếch, huyện Krông Pắc; Ea Tar, Cư Dliê M’nông và Ea Drơng, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk). Tổng số dân trong vùng dự án là 18.038 hộ, 88.383 nhân khẩu, thuộc các dân tộc Êđê, Ba Na, Tày, Nùng, Mường, Thái và Kinh. Khu KT – QP Cư M’gar có nhiệm vụ: Tổ chức, sắp xếp ổn định dân cư; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn.

Cán bộ Khu KT – QP Cư M’gar trao đổi kinh nghệm tái canh cà phê với già làng các xã trong vùng dự án.
Cán bộ Khu KT – QP Cư M’gar trao đổi kinh nghệm tái canh cà phê với già làng các xã trong vùng dự án.

Từ năm 2005 trở về trước, vùng dự án Khu KT – QP Cư M’gar thuộc địa bàn khó khăn, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, trình độ canh tác lạc hậu nên thu nhập bình quân trên diện tích đất canh tác thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Cơ sở vật chất hạ tầng như “điện, đường, trường, trạm, thủy lợi” còn thấp kém; nhiều thôn, buôn không có điện, thiếu trường lớp học, giao thông cách trở. Hệ thống chính trị hoạt động kém hiệu quả, nhiều buôn, thôn “trắng” về chi bộ, không có đảng viên. Chính thực trạng trên đã dẫn tới kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống và thu nhập người dân thấp; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Cụ thể đầu năm 2001, một số buôn, thôn ở huyện Cư M’gar, sau này thuộc vùng dự án, như Cư Dliê M’nông, Ea Đrơng đã xảy ra tình trạng một bộ phận người dân bị bọn phản động lừa phỉnh, lôi kéo tham gia chống đối chính quyền, gây mất an ninh chính trị, tạo thêm nhiều trở lực, khó khăn cho tình hình phát triển ở địa phương.

Dự án đầu tư Khu KT – QP Cư M’gar triển khai dựa trên xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm đầu tư của Bộ Quốc phòng, cộng với cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả của cấp ủy, Ban Giám đốc và tập thể cán bộ, chiến sĩ, người lao động Công ty TNHH MTV Cà phê 15, từ năm 2005 đến nay dự án đã tạo ra diện mạo mới cho những vùng đất gian khó. Nhiều thôn, buôn trong vùng dự án đã trở thành hình mẫu về mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên.

… Đến điển hình về xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, đến một số thôn, buôn, đội sản xuất thuộc Khu KT – QP Cư M’gar, có thể thấy nhiều cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư; tình hình sản xuất của bà con có nhiều tiến bộ. Đi đến đâu cũng bắt gặp màu xanh no ấm từ những nương rẫy cà phê, hồ tiêu, cao su... Đại tá Phạm Xuân Thảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 15 phấn khởi: “Nhờ kỹ thuật canh tác phù hợp, có hệ thống thủy lợi bảo đảm nước tưới, năng suất cà phê của bà con trong vùng dự án đạt bình quân 15 tấn quả tươi/ha (tương đương 3,75 tấn nhân/ha), cao hơn 1,7 lần so với năng suất bình quân vùng Tây Nguyên. Năm nay, vườn cà phê tái canh bằng ghép chồi của các hộ dự kiến cho năng suất hơn 20 tấn quả tươi/ha, tăng hơn 5 tấn quả tươi/ha; trở thành những mô hình điểm trong triển khai chương trình tái canh 120 nghìn héc-ta cà phê già cỗi ở Tây Nguyên”.

Cán bộ Khu KT – QP Cư M’gar hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê cho  người dân  xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar.
Cán bộ Khu KT – QP Cư M’gar hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê cho người dân xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, Công ty TNHH MTV Cà phê 15 ưu tiên tập huấn kỹ thuật, tạo việc làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số trong vùng dự án. Các mô hình “công ty gắn kết với huyện, xã”, “đội sản xuất gắn với thôn, buôn”, “đội trưởng đội sản xuất gắn với già làng, trưởng buôn, thôn” đã thường xuyên tổ chức hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con, nhất là kỹ thuật chăm sóc những cây trồng chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu. Thông qua khuyến nông còn kết hợp tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến người dân, giúp bà con nâng cao nhận thức, cảnh giác và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Nhờ vậy, từ năm 2005 đến nay, địa bàn dân cư trong vùng dự án đã củng cố an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Theo phê duyệt ban đầu, Dự án đầu tư Khu KT – QP Cư M’gar sẽ kết thúc vào năm 2025. Song, với tiến độ thực hiện và kết quả đã đạt được, Bộ Quốc phòng đã quyết định hoàn thành đầu tư dự án vào năm 2020 để chuyển giao cho địa phương. 

Trong xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, từ năm 2005 đến nay, Khu KT – QP Cư M’gar đã huy động đầu tư gần 85 tỷ đồng. Qua đó, xây dựng 13 hồ đập thủy lợi; hơn 100 km đường nhựa và đường cấp phối; 30 km đường điện sinh hoạt; 2 trường mầm non, 2 nhà mẫu giáo; 1 bệnh xá quân dân y.

Là một trong 7 địa phương hưởng lợi trong vùng dự án, xã Cư Dliê M'nông (huyện Cư M’gar) đã có bước chuyển mình nhanh chóng. Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, trong vòng 5 năm gần đây, nhờ hưởng lợi từ vùng dự án Khu KT – QP, xã đã được đầu tư hơn 20 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng. Nhờ vậy, hệ thống giao thông trục chính của xã, đường liên thôn, buôn đã nhựa hóa, đường điện đã về đến 100% hộ dân, trường học được kiên cố hóa, hồ đập thủy lợi bảo đảm đủ nước cho sản xuất. Dự kiến năm 2018, Cư Dliê M’nông hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cùng với Cư Dliê M'nông, xã Ea Đrơng cũng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới được huyện Cư M’gar nhân rộng trong thời gian tới.

Nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế cho bà con vùng dự án, đến năm 2017, Công ty Cà phê 15 đã tổ chức khai hoang, phát triển được hơn 800 ha cà phê, 300 ha cao su, xây dựng Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh, Nhà máy sản xuất cà phê bột và Nhà máy sản xuất nước uống đóng chai, tạo công ăn việc làm cho 800 hộ công nhân với hơn 1.200 lao động. Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, thu nhập bình quân công nhân trong vùng dự án đạt hơn 4 triệu đồng/người/tháng; 60% hộ gia đình công nhân người dân tộc thiểu số có thu nhập khá.     

Bình Định


Ý kiến bạn đọc