Multimedia Đọc Báo in

Krông Bông triển khai nhiều giải pháp xóa đói giảm nghèo

08:41, 20/12/2017

Trong những năm qua, cùng với việc huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện Krông Bông đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động tiếp nhận và triển khai hiệu quả một số dự án, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Trước đây gia đình chị Võ Thị Thiều thuộc diện hộ nghèo ở thôn 3, xã Hòa Sơn. Năm 2015, chị Thiều vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua 2 con bò, số còn lại đầu tư chăm sóc 5 sào cà phê và 300 gốc tiêu. Bên cạnh đó, vợ chồng chị còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do huyện, xã tổ chức để tiếp thu khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất. Đến nay, gia đình chị đã có thu nhập ổn định, không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được phương tiện phục vụ đi lại và sản xuất.

Anh Võ Đình Lợi (bìa phải) ở thôn 2, xã Hòa Lễ mới thoát nghèo năm 2017 và xây được ngôi nhà mới khang trang.
Anh Võ Đình Lợi (bìa phải) ở thôn 2, xã Hòa Lễ mới thoát nghèo năm 2017 và xây được ngôi nhà mới khang trang.

Gia đình anh Võ Đình Lợi ở thôn 2, xã Hòa Lễ cũng mới thoát nghèo năm 2017 nhờ chủ động đi học nghề xây dựng. Nhận thấy việc làm nông khá bấp bênh vì giá cả lên xuống thất thường, anh Lợi vừa đi phụ hồ vừa học nghề xây. Ngoài ra, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình anh đầu tư chăn nuôi thêm bò, gà. Nhờ đó thu nhập của gia đình anh được cải thiện, không những thoát nghèo mà năm nay anh còn tự tay xây được ngôi nhà khang trang để đón Tết.

Trong năm 2017, các ngành chức năng của huyện đã hỗ trợ xây 207 căn nhà cho người nghèo với tổng kinh phí trên 7,3 tỷ đồng; hỗ trợ 4.053 đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với số tiền gần 89,4 tỷ đồng; tổ chức được 28 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; 5 cuộc hội thảo đầu bờ, đầu chuồng…

Có thể nói, công tác giảm nghèo ở Krông Bông trong năm 2017 đã đạt được những kết quả đáng kể. Tổng số hộ nghèo của toàn huyện chiếm 35,95% (7.686 hộ), giảm 3% so với cùng kỳ năm 2016 (tương đương với 982 hộ). Theo ông Đinh Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, để đạt được kết quả trên, huyện đã kiện toàn lại hệ thống Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp, xây dựng kế hoạch với nhiều giải pháp thiết thực như giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, thị trấn; huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành và phân công các thành viên Ban chỉ đạo bám sát địa bàn; vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo công khai, dân chủ, hỗ trợ đúng đối tượng và dựa trên điều kiện từng xã để định hướng cho hộ nghèo đầu tư có hiệu quả.

Mô hình nuôi bò nhốt giúp nhiều hộ dân ở xã Khuê Ngọc Điền thoát nghèo.
Mô hình nuôi bò nhốt giúp nhiều hộ dân ở xã Khuê Ngọc Điền thoát nghèo.

Ông Đinh Văn Long cho biết thêm, để thực hiện được mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3% vào năm 2018, huyện Krông Bông sẽ tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế như sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình được cấp hằng năm; tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách về vốn; triển khai thực hiện tốt chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thôn, buôn đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp dựa trên thế mạnh của địa phương và thị trường, trên cơ sở đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân một cách bền vững…

“Điểm mấu chốt trong công tác giảm nghèo ở huyện là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, làm chuyển biến trong nhận thức và thúc đẩy ý chí vươn lên thoát nghèo của nhân dân” – ông Long nhấn mạnh.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.