Nhiên liệu sinh học: Xu hướng phát triển toàn cầu
Hiện nay, nhiên liệu sinh học được sử dụng phổ biến ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Các quốc gia như Mỹ, Canada, các nước Tây Âu… đều có kế hoạch sản xuất nhiên liệu thay thế ở quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ngày càng tăng một cách ổn định.
Brazil là nước đi đầu với chương trình quốc gia ủng hộ xăng pha cồn từ năm 1975, sử dụng cồn sản xuất từ mía để pha vào xăng với tỷ lệ lên đến 20%, thậm chí có thể lên đến 85% dùng trong ngành vận tải.
Mỹ bắt đầu thử nghiệm sử dụng xăng pha cồn từ năm 1976 sau đợt khủng hoảng năng lượng năm 1973. Từ năm 1978, Mỹ đã công nhận lợi ích của cồn trong nhiên liệu và dùng biện pháp giảm thuế đối với xăng pha cồn nhằm khuyến khích phát triển thị trường nhiên liệu này.
Philippines đưa Luật nhiên liệu sinh học vào năm 2006 quy định bắt buộc dùng xăng sinh học E5 từ năm 2009 và E10 từ năm 2011. Philippines miễn thuế cho phần nhiên liệu sinh học pha vào xăng, cũng như miễn thuế VAT cho nguyên liệu thô (mía, sắn…) khi dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Các công ty xăng dầu phải mua hết sản phẩm sản xuất trong nước trước khi tìm đến nguồn nhập khẩu. Philippines là một trong những nhà nhập khẩu ethanol lớn nhất ở Châu Á.
Ở các nước Châu Âu, Châu Mỹ xăng sinh học hoặc xăng pha cồn đã được sử dụng trong nhiều năm qua và hiện nay tỷ lệ cồn pha vào xăng bắt buộc tối thiểu là 10%. Hiện có 14 quốc gia trong EU thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và triển khai sản xuất NLSH.
Thái Lan là một trong những nhà sản xuất ethanol lớn ở khu vực Đông Nam Á. Thái Lan đã bắt đầu cung cấp xăng pha cồn cho các phương tiện vận tải vào năm 2005, đến nay chủ yếu tiêu thụ xăng sinh học E10, một phần E20 và E85.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển NLSH, tuy nhiên, việc phát triển và sử dụng NLSH vẫn còn hạn chế. Mỗi năm Việt Nam vẫn còn xuất thô hàng triệu tấn sắn để các nước sản xuất ethanol... Nhằm thúc đẩy phát triển ngành NLSH, phát huy cao nhất các lợi ích của NLSH đối với xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.
Ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng NLSH là giảm từ 27 - 44% các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm được nhiên liệu so với dùng các loại xăng thông thường. Đồng thời, dùng các loại xăng sinh học còn giúp các loại xe máy, ôtô khởi động, tăng tốc tốt hơn. Đặc biệt, với nguồn nguyên liệu chủ yếu từ sản xuất công nghiệp, việc phát triển NLSH có thể kích thích sản xuất nông nghiệp và mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp trong nước.
(Theo Cẩm nang xăng sinh học – Bộ Công thương)
Ý kiến bạn đọc