Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Nhiều khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

08:02, 10/01/2018

Trong những năm qua, nông dân huyện M’Đrắk đã chú trọng chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém năng suất sang những giống cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay, việc chuyển đổi còn nhỏ lẻ, manh mún, nặng tính tự phát, chưa tập trung vào sản phẩm chủ lực, có thế mạnh.

Gia đình ông Vũ Văn Bội (thôn 2, xã Krông Á) có gần 2 ha đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2012, như nhiều bà con trên địa bàn xã đổ xô chuyển sang trồng hồ tiêu khi loại cây trồng này cho thu nhập cao, gia đình ông Bội cũng đầu tư trồng 2.000 trụ hồ tiêu. Năm 2016, khi vụ thu hoạch đang đến rất gần thì trời mưa kéo dài, toàn bộ vườn tiêu năm thứ tư bị ngập úng chết hàng loạt, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Đến năm 2017, gia đình ông Bội tiếp tục phá vườn tiêu để trồng chanh dây vì cho rằng cây này mang lại lợi nhuận cao. Thực tế, thời gian đầu, cây chanh dây quả thực mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với các cây trồng khác, chi phí đầu tư thấp và thu lợi nhanh, bởi có thời điểm giá chanh dây lên đến trên 30.000 đồng/kg, trở thành hy vọng “đổi đời” của người nông dân. Tuy nhiên, vào thời điểm gia đình ông Bộ trồng thì giá chanh dây đã giảm hơn một nửa, việc tiêu thụ lại phụ thuộc vào sự thu mua của các thương lái Trung Quốc. Một lần nữa, nỗ lực chuyển đổi cây trồng của gia đình ông Bội lại không mang lại kết quả như mong đợi.

Gia đình ông Phạm Văn Nguyên (giữa) ở thôn 2, xã Ea Pil tự chuyển đổi 1,2 ha đất trồng cà phê, mía sang trồng vải.
Gia đình ông Phạm Văn Nguyên (giữa) ở thôn 2, xã Ea Pil tự chuyển đổi 1,2 ha đất trồng cà phê, mía sang trồng vải.

Tại xã Ea Riêng, diện tích gieo trồng theo kế hoạch hằng năm của xã trên 1.850 ha, trong đó có 796 ha cây hằng năm và 1.057 ha cây lâu năm. Do diện tích đất chủ yếu là của Công ty Cà phê 715A (chiếm khoảng 43% diện tích đất toàn xã) nên diện tích đất canh tác của người dân rất ít. Để nâng cao hiệu quả sản xuất trên một diện tích đất canh tác, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Ea Riêng đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang những giống cây, con có giá trị kinh tế cao. Riêng năm 2017, người dân xã Ea Riêng đã chuyển đổi hàng trăm héc-ta cây trồng, trong đó có 20 ha chuyển sang trồng hồ tiêu, 80 ha cà phê vối cao sản, 5 ha ao thả cá, 5 ha sầu riêng và trên 8 ha bơ... Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất chủ yếu là tự phát nên việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Bài toán “nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả” ở một địa phương nghèo, xuất phát điểm thấp như huyện M’Đrắk vẫn đang rất cần tìm lời giải.

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi là một chủ trương đúng đắn và cần thiết để từng bước hình thành vùng sản xuất nông sản, chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống, thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, ở M’Đrắk hiện nay việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chủ yếu mang tính tự phát.  Dù chưa có con số thống kê cụ thể về diện tích đã chuyển đổi trên địa bàn huyện, nhưng trên thực tế, diện tích người dân tự chuyển đổi cây trồng hằng năm là khá lớn. Bên cạnh những mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả thì không thể phủ nhận những hệ lụy khó lường do chuyển đổi chưa theo định hướng, quy hoạch cụ thể,chủ yếu do người dân tự phát, chạy theo giá cả thị trường; việc chuyển đổi còn manh mún, chưa tập trung thành vùng sản xuất gây khó khăn cho việc bố trí thời vụ. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thiếu vững chắc đã dẫn đến cung - cầu bị lệch, thiếu sự chủ động về đầu ra cho sản phẩm khiến người nông dân rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá”. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nói chung và tại huyện M’Đrắk nói riêng, bài học từ giá heo xuống thấp kỷ lục, cây hồ tiêu giảm ½ giá bán, cây gấc, cây chanh dây khó tiêu thụ... khiến hàng nghìn hộ dân trắng tay là những ví dụ điển hình trong việc cần đánh giá lại quy mô sản xuất và quy hoạch chuyển đổi.

Thiết nghĩ, để chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả như mong muốn, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện M’Đrắk phải có định hướng ở tầm vĩ mô trong tổng thể phát triển chung của huyện; đồng thời, phát huy tính chủ động, bám sát thực tiễn của cơ sở để quy hoạch vùng sản xuất, giúp bà con xây dựng được các mô hình kinh tế tập thể, doanh nghiệp nhằm tạo thương hiệu và chỗ đứng cho sản phẩm trong nền kinh tế thị trường cho nông sản M’Đrắk. Mặt khác, cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nông dân về vốn vay, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Thu Nguyệt

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.