Sẵn sàng nông sản phục vụ Tết
Với mong muốn có được vụ thu hoạch cuối năm thắng lợi, bù đắp một phần thiệt hại do ảnh hưởng không thuận lợi của thời tiết thời gian qua, nông dân huyện M’Đrắk đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng hóa nông sản phục vụ Tết.
Gia đình ông Ngô Minh Chính (thôn 18, xã Cư Mta) có ao nuôi cá với diện tích 600 m2, mỗi năm nuôi thả gối vụ từ 2 - 3 lứa cá, bình quân mỗi đợt 600 – 700 con giống. Để phục vụ nhu cầu tăng cao dịp cuối năm, ông Chính đã thả lứa cá vụ Tết nhiều hơn với khoảng 1.000 con giống, tập trung chủ yếu vào các giống cá phù hợp với nhu cầu thị trường như cá lóc, rô phi, trắm, mè... Qua 6 - 8 tháng thả nuôi, gia đình ông thu hoạch ước đạt hơn 1,5 tấn cá lóc thương phẩm, bán sỉ cho thương lái khoảng 60.000 – 70.000 đồng/kg, cao hơn mức giá thông thường khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg, mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập trên 70 triệu đồng. Ông Chính hy vọng mức tiêu thụ cá cao hơn vào những ngày sát Tết sẽ cho thu nhập khá hơn.
Sau hai vụ rau mất trắng do mưa rét kéo dài, gia đình ông Phạm Xuân Tạc (tổ dân phố 10, thị trấn M’Đrắk) quyết định mở rộng diện tích trong vụ rau Tết. |
Những ngày này, nông dân làng rau tổ dân phố 10 (thị trấn M’Đrắk) đang tất bật chăm sóc những luống rau màu phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Từ nhiều năm nay, trồng rau đã trở thành nghề chính mang lại thu nhập cho nhiều hộ trong tổ dân phố. Bà con trồng rau quanh năm, mùa nào thức nấy, gối đầu đủ các loại rau nên lúc nào cũng có thu nhưng vào dịp Tết, do nhu cầu tiêu thụ cao nên lượng rau trồng nhiều gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Mặc dù công việc vất vả, nhưng với mong muốn bù đắp thiệt hại do mưa bão ở các vụ rau trước, từ sáng sớm đến tối mịt, hầu như các vườn rau đều có người thường xuyên chăm sóc. Mỗi loại rau có thời kỳ sinh trưởng khác nhau nên người trồng phải canh chỉnh thời điểm xuống giống phù hợp mới thu hoạch đúng dịp Tết, như su hào, bắp cải, dưa leo, cà rốt phải xuống giống trước Tết từ 2,5 - 4 tháng; rau cải, xà lách, mồng tơi, rau thơm các loại xuống giống từ 1 – 1,5 tháng... Dịp Tết, bà con trồng nhiều loại rau hơn, ưu tiên những loại rau củ được tiêu thụ mạnh như súp lơ, cà rốt, su hào, xà lách, dưa leo, các loại rau gia vị… Bên cạnh vụ rau Tết này, nông dân còn trồng xen nhiều loại rau khác, thu hoạch rải rác trước, trong và sau Tết Nguyên đán, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vừa tạo điều kiện ổn định đầu ra và giá cả cho sản phẩm. Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết mưa rét kéo dài, nhiều lứa rau trồng trong tháng 8 - 10 (âm lịch) đã hư hỏng gần như hoàn toàn, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, rau trên các cánh đồng đã xanh trở lại.
Bên cạnh những loại nông sản truyền thống sẵn sàng cho vụ Tết, năm nay, trên địa bàn huyện M’Đrắk còn có những sản phẩm khác với số lượng lớn phục vụ dịp Tết như cam, quýt, nhãn, chuối, dê nuôi, heo đen, heo lai rừng... Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mặt hàng nông sản được nuôi trồng tại địa phương vì đây là thực phẩm sạch, không có các dư lượng hóa chất độc hại, chất bảo quản,... Từ nhu cầu của thị trường, qua các năm, các hộ nông dân ngày càng chủ động kế hoạch sản xuất hàng hóa cho dịp cuối năm. Càng gần Tết, không khí càng nhộn nhịp, mặc dù vất vả thức đêm chăm bón cho vườn rau hay chăm sóc đàn heo, ao cá bán Tết nhưng ai cũng vui vẻ khi có thêm thu nhập để ngày Tết đầm ấm, vui tươi.
Cùng với nỗ lực, chủ động của người nông dân, các cơ quan chức năng và địa phương cũng tích cực hướng dẫn các biện pháp và kế hoạch sản xuất phù hợp, khuyến cáo bà con trồng rải vụ, đa dạng hóa các loại sản phẩm để tránh dồn ứ, cung vượt cầu dẫn đến rớt giá và ế thừa; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các khuyến cáo, quy định về sản xuất hàng nông sản, thực phẩm an toàn.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc