Xây dựng nông thôn mới: Gian nan thực hiện tiêu chí số 13
Tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được đánh giá là tiêu chí quan trọng để phát triển kinh tế ở các địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí này đang là một thách thức không nhỏ đối với hầu hết các xã khi chỉ tiêu đánh giá ngày càng khắt khe hơn.
Tính đến cuối năm 2017, Đắk Lắk có 30 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới và không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đây là kết quả rất đáng khích lệ vì là năm đầu tiên tỉnh đạt được kế hoạch đề ra về XDNTM. Tuy nhiên, trong năm 2017 toàn tỉnh tăng 187 tiêu chí nhưng cũng giảm 65 tiêu chí so với cuối năm 2016, chủ yếu giảm tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất. Nguyên nhân là do giai đoạn 2017-2020, Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới của tỉnh thay đổi chỉ tiêu đánh giá, yêu cầu khi thực hiện tiêu chí số 13 phải đạt 2 chỉ tiêu đó là xã có hợp tác xã (HTX) hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững. Trong khi giai đoạn trước đó chỉ yêu cầu xã nông thôn mới chỉ cần có tổ hợp tác hoặc HTX nông, lâm, ngư nghiệp hoạt động có hiệu quả là đạt. Chính vì vậy, trong năm 2017 có đến 16 xã trên địa bàn tỉnh bị rớt tiêu chí này, hiện toàn tỉnh có 96/152 xã đạt.
Vườn tiêu của thành viên Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (Krông Pắc). |
Huyện Krông Bông có số xã rớt tiêu chí số 13 nhiều nhất, với 9/12 xã đã đạt trong năm 2016. Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện cho biết, trên địa bàn Krông Bông có 8 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 3 HTX ngừng hoạt động và 1 HTX thành lập mới; có 12 tổ hợp tác (10 tổ về thủy lợi và 2 tổ về chăn nuôi). Hầu hết các HTX rơi vào tình trạng khó khăn, không huy động được nguồn vốn hoạt động, cán bộ quản lý HTX còn yếu, chưa thích nghi được với cơ chế thị trường nên các HTX chỉ mới thực hiện được khâu sản xuất làm ra sản phẩm, chưa liên kết được với các doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi, tạo đầu ra ổn định mà sản phẩm vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Hiện chỉ có 3 HTX; 8 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả nên không đáp ứng được các chỉ tiêu đánh giá theo tiêu chí số 13 trong năm 2017 và toàn huyện chỉ có 3/13 xã đạt được tiêu chí này.
Theo Liên minh HTX tỉnh, Đắk Lắk hiện có 5.000 tổ hợp tác; 3 liên hiệp HTX, 399 HTX, trong đó có 208 HTX nông nghiệp, 56 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 37 HTX vận tải, 56 HTX thương mại, 30 HTX xây dựng và 11 quỹ tín dụng nhân dân. Tính đến hết năm 2017, có 301 HTX đang hoạt động, 98 HTX ngừng hoạt động, 32 HTX giải thể. Trong năm 2017, Liên minh HTX tỉnh cũng đã hỗ trợ cho 5 đơn vị phát triển chuỗi sản xuất, gồm HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar), HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Kmát (Krông Pắc), HTX Sản xuất nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Minh Toàn Lợi (Krông Năng) về lĩnh vực cà phê; HTX Nông nghiệp 714 (Ea Kar) sản xuất chanh dây gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; HTX Nông nghiệp dịch vụ Thăng Bình (huyện Krông Bông) gắn với chuỗi của mía đường. Trong nguồn vốn XDNTM, hỗ trợ HTX xây dựng tiêu chí 13, tỉnh cũng đã phân bổ cho UBND các huyện để hỗ trợ hình thức tổ chức và liên kết sản xuất, với mức từ 450-700 triệu đồng/huyện…
Tuy nhiên, trên thực tế hình thức tổ chức sản xuất mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa hình thành được nhiều mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi phát triển bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh; việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới còn chậm; liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác với nông dân còn hạn chế. Đây là nguyên nhân gián tiếp khiến nhiều xã bị rớt tiêu chí số 13.
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) cung ứng hạt giống cho nông dân. |
Theo Văn phòng Điều phối XDNTM của tỉnh, trong năm 2018, tỉnh phấn đấu có ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã lũy kế đạt chuẩn lên 40 xã. Do đó, để đảm bảo hoàn thành tiêu chí số 13, đưa các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng lộ trình thì các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nhân rộng những mô hình HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả cao; gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đối với sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc