Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào để phát huy thế mạnh cây ăn quả?

08:16, 01/02/2018

Vài năm trở lại đây cây ăn quả trở thành một trong những nông sản có giá trị hàng đầu khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Tuy nhiên vấn đề tiêu thụ sản phẩm của loại nông sản này đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tiềm năng

Vượt qua cà phê, hồ tiêu, năm 2017 được xem là năm định hình vị thế cho cây ăn quả tại khu vực Tây Nguyên khi hiệu quả kinh tế thu về vượt qua các loại cây trồng chính trên vườn. Tại Đắk Lắk, nhờ có sự chủ động trong chăm sóc cây trồng mà năng suất sầu riêng thâm canh đạt bình quân 25-30 tấn/ha, những vườn trồng trên 10 năm đạt trên dưới 40 tấn/ha. Giá sầu riêng năm nay cũng tăng mạnh, cụ thể giá thu mua tại vườn đầu vụ tăng từ 5-10 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2016 đạt mốc 45-50 triệu đồng/tấn, nhiều gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng/ha. Riêng giá sầu riêng trái vụ cán mốc kỷ lục lên đến 90 triệu đồng/tấn nên một số vườn thu về 4 tỷ đồng/ha/năm, góp phần đưa cây sầu riêng lọt vào top những cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao nhất trong cơ cấu cây trồng của tỉnh. Tương tự, giá bơ cao sản thu mua tại vườn cũng ổn định hơn những năm trước, dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg; cam, quýt 20.000-25.000 đồng/kg; xoài địa phương 16.000-20.000 đồng/kg; xoài cao sản 30.000-40.000 đồng/kg…

 Người dân xã Ea Tân,  huyện  Krông Năng  chia sẻ  kinh nghiệm cho cây  sầu riêng  ra quả  theo ý muốn.
Người dân xã Ea Tân, huyện Krông Năng chia sẻ kinh nghiệm cho cây sầu riêng ra quả theo ý muốn.

Những năm gần đây nông dân luôn hướng đến sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả nên chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Công tác tuyên truyền, quảng bá nông sản được các ngành chức năng thực hiện đồng bộ đã định hình thương hiệu trái cây gắn với vùng sản xuất trên địa bàn như cam, quýt Buôn Đôn, Ea Kar; xoài Ea Súp; nhãn, vải Krông Pắc, M’Đrắk… Chất lượng bảo đảm, thời gian vận chuyển từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng ngắn (dao động trong 1-2 ngày) nên giữ nguyên hương vị tươi ngon ban đầu, vì vậy người tiêu dùng dần thay thế thói quen chuộng trái cây nhập ngoại sang sử dụng trái cây do nông dân địa phương sản xuất, nhờ đó việc tiêu thụ nông sản của bà con cũng thuận lợi hơn. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã đến Đắk Lắk tìm hiểu về tình hình phát triển cây ăn quả và tìm kiếm đối tác để hợp tác, đầu tư như các doanh nghiệp Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản… mở ra cơ hội lớn đối với sự phát triển mặt hàng giàu tiềm năng này.

Tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều vườn cây vẫn đang gặp khó khăn về đầu ra. Do cây ăn quả thường thu hoạch đại trà với khối lượng lớn nên nhiều vườn đến độ thu hoạch mà người mua rất ít như xoài ở huyện Ea Súp; cam, quýt Ea Kar; chuối Buôn Đôn… Trong khi đây là loại sản phẩm không thể bảo quản được lâu dẫn đến khả năng thua lỗ cho người sản xuất.

Cần đi theo chuỗi

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 12.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó sầu riêng khoảng 4.000 ha, bơ 3.000 ha, còn lại là các loại cây trồng khác như xoài, vải, nhãn, dưa hấu… Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nhận định tiềm năng phát triển cây ăn quả của tỉnh rất lớn bởi khí hậu, đất đai của Đắk Lắk khá thích hợp với loại cây trồng này. Đặc biệt, hệ thống cây công nghiệp dài ngày như cà phê (hơn 202.000 ha), hồ tiêu (hơn 42.000 ha) đều cần có cây che bóng, chắn gió để phát triển bền vững và việc kết hợp trồng xen cây ăn quả trên vườn đều phù hợp về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn sản xuất trong nhiều năm qua.

Giống xoài Ea Súp được người tiêu dùng ưa chuộng.
Giống xoài Ea Súp được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

 

“Các yếu tố tạo nên sự bền vững cho trái cây gồm giá cả có tính ổn định tương đối, sản lượng ổn định và kiểm soát trước, phản ứng của người tiêu dùng và dự báo được nhu cầu tiêu dùng để tính được đầu ra. Do đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp, đầu ra, công nghệ, sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước”. 

 
 
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu bơ Tây Nguyên

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu bơ Tây Nguyên cho hay sau 5 năm tham gia vào thị trường trái cây cho thấy chất lượng trái cây phụ thuộc vào nhiều yếu tố như văn hóa sản xuất đến cách thức tổ chức sản xuất để tạo ra sản phẩm tốt, các chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đa phần đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ… Hiện nay, công ty đã liên kết với bà con nông dân 5 tỉnh Tây Nguyên trồng hơn 1.000 ha bơ các loại trong đó hơn 80% diện tích này đã cho thu hoạch. Năm 2017, công ty xuất gần 10.000 tấn bơ các loại cung cấp cho thị trường trong nước và một phần xuất khẩu sang Hồng Kông, Thụy Điển, Trung Quốc, một số nước Ả Rập…

Cây ăn quả đã góp phần tạo nên thế mạnh cho vùng đất đỏ Đắk Lắk nhưng “số phận” của nó cũng rất “mong manh” bởi trên thực tế các doanh nghiệp tham gia kết nối tiêu thụ như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu bơ Tây Nguyên không nhiều. Do đó nguy cơ gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả luôn hiện hữu. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có nhiều mô hình công ty kết nối theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ để có đầu ra ổn định với mức giá bảo đảm.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc