Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà gia công

08:42, 21/03/2018

Hiện nay, một số hộ nông dân trên địa bàn xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) đã chọn phương thức liên kết chăn nuôi gà gia công cho các doanh nghiệp lớn nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, mang lại lợi ích kinh tế. 

Ông Phan Xuân Thủy (buôn Sút M’grư), một trong những hộ dân đầu tiên áp dụng mô hình liên kết chăn nuôi gà gia công từ năm 2001 cho biết, đối với mô hình này, các công ty liên kết với hộ nông dân sẽ đầu tư toàn bộ về con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật; còn người chăn nuôi phải đầu tư chuồng trại và công chăm sóc. Sau thời gian nuôi từ 45 – 60 ngày (tùy theo giống gà), công ty sẽ đến thu lại gà thành phẩm và trả tiền công chăm sóc cho người chăn nuôi. Hiện tại, trang trại ông đang liên kết với Công ty TNHH Emivest Việt Nam, mỗi năm ông nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa khoảng 5.000 con, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông còn thu về 10 triệu đồng/lứa từ việc bán phân gà cho các hộ có nhu cầu.

Mô hình nuôi gà gia công mang lại nguồn thu nhập ổn định  cho các hộ dân xã Cư Suê.
Mô hình nuôi gà gia công mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân xã Cư Suê.

Cũng như gia đình ông Thủy, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Cư Suê (chủ yếu ở buôn Sút M’grư và thôn 1) đã áp dụng mô hình chăn nuôi gà gia công và mang lại nguồn thu nhập ổn định như trang trại của ông Phan Xuân Sơn với quy mô 10.000 con gà/lứa, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, trang trại ông Vũ Đình Thông với quy mô 20.000 con gà/lứa, cho thu nhập gần 400 triệu đồng/năm… Bên cạnh những trang trại thủ công (trại hở), nhiều hộ đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại khép kín (trại lạnh) mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đơn cử như mô hình trang trại lạnh của gia đình ông Phan Khắc Chung (thôn 1), với diện tích hơn 1.000 m2, được xây dựng kiên cố bằng bê tông, khung thép. Bên trong trại gà, tường được thiết kế hệ thống làm lạnh cùng với 5 chiếc quạt thông gió, 1 máy sưởi giúp điều hòa nhiệt độ luôn ổn định, cùng với đó trong trại còn được lắp đặt thêm hệ thống camera chống trộm và loa để mở nhạc cho gà. Trung bình mỗi năm, trang trại ông nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa 10.000 con, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu được gần 300 triệu đồng. Ông Chung cho biết, trước đây (năm 2001), khi mới bắt đầu thực hiện mô hình, ông cũng xây dựng hệ thống trại hở, đến năm 2016, theo yêu cầu của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (công ty mà trang trại ông đã ký kết hợp đồng), ông mới đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống trại gà lạnh. Cũng theo ông, mô hình này tuy đầu tư chi phí khá cao nhưng lại rất chắc chắn, toàn bộ quy trình nuôi đều được khép kín nên gà lớn nhanh, hầu như không có bệnh. Nhờ đó, công việc chăm sóc gà cũng đơn giản hơn nhiều so với nuôi gà theo mô hình trại hở. Đặc biệt, việc nuôi gà trong trang trại lạnh sẽ làm giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn xã Cư Suê đã có 18 hộ gia đình liên kết với các công ty, doanh nghiệp để nuôi gà gia công. Việc liên kết giữa các trang trại và công ty giúp người dân tránh được những rủi ro trước tình hình giá cả biến động, dịch bệnh như hiện nay vì được các công ty bao tiêu sản phẩm. Tuy vậy, người dân cần phải có đất và mặt bằng thích hợp (xa khu dân cư), bỏ ra một nguồn vốn khá lớn, từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng trở lên để mở trang trại.

Diệu Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.