Thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Từ những lợi thế và tiềm năng
Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, những năm qua tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp thu hút kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở địa phương.
Là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao như: cà phê (200.000 ha), cao su (40.000 ha), hồ tiêu (21.000 ha), Đắk Lắk có nền nông nghiệp tương đối phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn có lợi thế về cơ sở hạ tầng phát triển nhất trong số các tỉnh vùng Tây Nguyên, tập trung nhiều cơ sở đào tạo, trường đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính những thế mạnh đó đã tạo điều kiện cho ngành Nông nghiệp của tỉnh nhanh chóng tiếp cận với tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất. Nhờ đó giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đã tăng liên tục trong thời gian dài, sản lượng hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ cao, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện.
Dưa lưới Nhật áp dụng công nghệ cao được trồng tại huyện Cư M’gar. |
Từ năm 2012, Nghị quyết 10/TU, ngày 18-5-2012 của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất và đời sống đến năm 2015 và định hướng đến 2020 đã có nhiều chính sách đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, làm cơ sở bước đầu cho việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ nói chung trong các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, y dược, môi trường được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, các mục tiêu của Nghị quyết đặt ra cơ bản đã đạt được. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đã triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường. Ngành Nông nghiệp của tỉnh cũng đã đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, chủng vi sinh vật, các chế phẩm sinh học nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh; từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao của nông sản hàng hóa.
Để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đang tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm gồm: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar); Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột); Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột); Xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản tại Khu công nghiệp Hòa Phú, Tân An (TP. Buôn Ma Thuột); Khu công nghiệp Phú Xuân (huyện Cư M’gar); Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Krông Búk (huyện Krông Búk). |
Không ngừng sáng tạo và áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất là hướng đi tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đời sống của người dân. Tỉnh đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chủ động rà soát, xác định lợi thế, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thực hiện chương trình tái canh cà phê, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ cao, nhất là các dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Ngoài ra, tỉnh còn tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Đoàn công tác của tổ chức Jica (Nhật Bản) khảo sát, tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Cư M’gar. |
Tuy nhiên, phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa toàn diện, tính bền vững, năng suất, giá trị các sản phẩm chủ lực chưa cao. Do áp lực dân số tăng nên nhu cầu về sản xuất nông nghiệp cũng như các sản phẩm nông nghiệp cũng gia tăng đáng kể. Trong khi đó, diện tích đất canh tác của tỉnh lại có xu hướng giảm mạnh do chuyển đổi sang các mục đích phi nông nghiệp; phương thức sản xuất của nông dân phần lớn còn theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh tuy có tăng về số lượng và giá trị, nhưng thu nhập của nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa không tăng; chất lượng nông sản, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ, một số nông sản thực phẩm chưa bảo đảm an toàn... Từ đó, đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó, biện pháp tối ưu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc