Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ma Thuột hướng đến đô thị xanh và bền vững (Kỳ cuối)

09:01, 11/04/2018

Kỳ cuối: Để xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên  

Hiện nay TP. Buôn Ma Thuột đang triển khai Chương trình phát triển đô thị với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (thuộc Tổng Hội Xây dựng Việt Nam). Đây được xem là chiến lược dài hạn, làm cơ sở hoạch định chính sách, cơ chế quản lý và phát triển cho đô thị Buôn Ma Thuột xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

“Kịch bản” phát triển

Sở Xây dựng cho biết có 3 chiến lược phát triển không gian cho thành phố nhằm khai thác thế mạnh và tiềm năng theo hướng đô thị xanh và bền vững. Trước hết, Buôn Ma Thuột phải có hạ tầng giao thông, kỹ thuật và xã hội kết nối vùng Tây Nguyên. Trong đó cần tập trung ưu tiên việc xây dựng và quy tụ các đầu mối giao thông theo quy hoạch cấp vùng. Hệ thống giao thông và khung hạ tầng kỹ thuật này nhằm tạo điều kiện thu hút các dự án đấu tư cho các khu đô thị mới với các điểm nhấn là các trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế đóng vai trò kích cầu cho 5 tỉnh trong khu vực. Thứ đến là khai thác hiệu quả lợi thế cảnh quan thiên nhiên, sinh thái và văn hóa để tạo nên bản sắc riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột. Yếu tố này dựa trên  điều kiện tự nhiên và vùng sinh thái rừng kết hợp việc khai thác không gian xanh từ các vùng cây công nghiệp hiện có theo hướng tập trung vào các dự án trọng điểm như khu vực Suối Xanh (phường Thắng Lợi), hồ Ea Nao (phường Tân An – xã Ea Tu) và hồ Ea Kao. Cuối cùng, đô thị này phải mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Đó là đề cao giá trị, đặc trưng văn hóa, mang lại sự hấp dẫn và tính riêng biệt cho đô thị dựa trên nền tảng vốn văn hóa vật thể (thông qua các công trình kiến trúc) và phi vật thể (không gian văn hóa, phong tục tập quán và sinh hoạt cư dân tại chỗ).

Quốc lộ 14 - con đường huyết mạch kết nối vùng Tây Nguyên.
Quốc lộ 14 - con đường huyết mạch kết nối vùng Tây Nguyên.

Tham luận tại Hội thảo khoa học “Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột” được tổ chức vào đầu tháng 3-2017, KTS. Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận xét: Dù chọn lựa và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột theo hướng nào đi nữa, phải luôn hướng đến các giá trị tương thích, phù hợp với đặc thù địa lý, nhân văn, lịch sử - văn hóa của vùng đất giàu bản sắc này. Và một khi các yếu tố ấy được quan tâm và tôn trọng đúng mức thì bức tranh tổng thể cho đô thị Buôn Ma Thuột sẽ sáng rõ lên với những gam màu rất riêng và độc đáo. Không rơi vào “mô týp” chung chung, hoặc na ná giống nhau trong việc quy hoạch và xây dựng các đô thị mới ở Việt Nam hiện nay.

Hình hài mới cho đô thị Buôn Ma Thuột

Từ kịch bản và dự báo có tính định hướng trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã gửi tờ trình lên Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó đáng chú ý là việc xác định tầm nhìn và chiến lược phát triển đô thị này trở thành đô thị kết nối (Hub City): kinh tế, giao thông, thương mại, công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, y tế và thể thao trong khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung – Nam Bộ.      

Thành phố Cà phê - nét đặc trưng của đô thị Buôn Ma Thuột.
Thành phố Cà phê - nét đặc trưng của đô thị Buôn Ma Thuột. 
Từ năm 1904, khi người Pháp thành lập tỉnh Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột được chọn làm trung tâm tỉnh lỵ. Sau năm 1975 là một thị xã nhỏ bé có quy mô tương đương đô thị loại IV. Năm 1994, được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Đến năm 2005 được công nhận là đô thị loại II và năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Năm 2014, được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch là đô thị trung tâm vùng, đóng vai trò đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của khu vực Tây Nguyên. (Nguồn: Sở Xây dựng Đắk Lắk)

Chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan đã xác định quy mô đất đai để phục vụ cho việc xây dựng đô thị, nhất là các khu đô thị mới sẽ được quy hoạch, bố trí hợp lý và đúng với tiêu chí đặt ra cho đô thị loại I cấp vùng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến quỹ đất dành cho xây dựng, phát triển giao thông và các công trình hạ tầng khác luôn chiếm tỷ lệ 12% trở lên.   

Theo đề án, cấu trúc đô thị Buôn Ma Thuột đến năm 2025 là vùng phát triển đô thị - nội ô (gồm các đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới) có tổng diện tích khoảng 11.000 ha, thì quỹ đất dành cho hạ tầng kỹ thuật là 1.100 – 1.200 ha. Cùng với đó là vành đai xanh bao quanh thành phố bao gồm vùng chuyên canh cây nông nghiệp với công nghệ cao, vùng tái tạo và trồng mới rừng, các công viên, lâm viên cũng như các khu du lịch sinh thái cận kề với diện tích hơn 26.800 ha. Đây sẽ là định hướng quan trọng góp phần hình thành một đô thị Buôn Ma Thuột hiện đại, giàu bản sắc trong tương lai. Nói như ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng, gương mặt và hình hài của đô thị này đã dần hiện ra. Vấn đề còn lại là cần “điểm tựa pháp lý” để giúp cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hướng dẫn và giám sát việc thực thi quy hoạch và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột một cách hữu hiệu, nhằm hướng đến mục tiêu đặt ra - đến năm 2025, Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và thể thao cấp vùng và có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Đình Đối

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.