Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo: Nông dân phấn khởi vì giá sắn tăng cao

08:42, 11/04/2018

Giá sắn khô trên thị trường đang được thu mua 4.400 đồng/kg, cao nhất trong vài năm gần đây khiến nông dân ở huyện Ea H’leo rất phấn khởi.

Niên vụ 2017-2018, huyện Ea H’leo có 3.836 ha sắn, đạt 98% kế hoạch, dự kiến sản lượng 74.100 tấn, tập trung nhiều ở các xã: Ea H’leo, Ea Sol, Ea Hiao, Cư A Mung... Theo các đại lý thu mua nông sản trên địa bàn huyện, năm nay việc thu gom sắn sôi động hơn các vụ trước, nhưng sản lượng lại ít hơn. Ngay từ đầu vụ thu hoạch giá sắn tươi tăng lên 1.000 - 1.500 đồng/kg (vụ trước là 500 - 700 đồng/kg),  còn sắn khô có giá từ 3.500 - 4.400 đồng/kg (tăng 1.200 - 1.500 đồng/kg).

Chị Lê Thị Thủy, chủ đại lý thu mua nông sản Thủy Xúy (xã Ea Hiao) cho hay, những năm trước sắn rớt giá nên nhiều bà con nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây họ đậu. Do vậy, dù hiện nay giá sắn trên thị trường tăng cao nhưng vẫn không có sắn để thu mua. Với mức giá này, bà con trồng sắn ước tính lãi sau vụ thu hoạch khoảng từ 20 - 30 triệu đồng/ha. Vào thời gian này năm trước, mỗi ngày đại lý của chị Thủy mua khoảng 40 tấn và xuất hàng trăm tấn sắn về cảng biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), thì năm nay chỉ thu mua khoảng 20 - 30 tấn/ngày.

Gia đình anh Nay Blơr (bìa trái) ở buôn Chăm (xã Ea Sol) thu hoạch sắn.
Gia đình anh Nay Blơr (bìa trái) ở buôn Chăm (xã Ea Sol) thu hoạch sắn.
 
“Việc tăng giá này có thực sự ổn định và lâu dài hay không, câu trả lời vẫn đang ở phía trước bởi người dân  làm ra sản phẩm nhưng  không quyết định được giá bán, vẫn phải phụ thuộc vào thị trường. Bên cạnh đó, cây sắn được canh tác liên tục trong thời gian dài sẽ làm đất bạc màu. Nếu bà con muốn phát triển cây sắn thì nên luân canh để cải tạo đất”.
 
Ông Nguyễn Đình Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea H’leo

Giá sắn cao là lý do để nhiều nông dân ở xã Ea Sol dự định mở rộng diện tích với hy vọng vụ  tới sẽ tiếp tục được giá, trúng mùa. Như gia đình anh Nay Blơr, ở buôn Chăm có hơn 3 ha đất trồng điều. Vụ sắn năm nay, anh đã đầu tư trồng 1,5 ha sắn lai, dù mới bán được hơn một nửa nhưng đã cho gia đình một khoản thu nhập gần 20 triệu đồng.Vụ tới anh quyết định trồng sắn xen canh trong diện tích điều còn lại. Không riêng anh Blơr, nhiều nông dân ở xã Ea Sol cũng chọn hướng phát triển thêm diện tích sắn... "Vì vậy, con số 750 ha sắn của toàn xã trong vụ năm nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong niên vụ 2018 – 2019”, ông Nay Y Bắp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sol cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea H’leo, một trong những nguyên nhân khiến sắn tăng giá đột biến ở vụ này là do thị trường xuất khẩu sắn biến động theo chiều hướng tốt, lượng người đi thu mua tăng lên. Nguyên nhân khác, có thể do sắn rớt giá liên tục ở nhiều vụ trước khiến người trồng sắn “nản”, hạn hán kéo dài trong 2 năm 2015-2016 dẫn đến sản lượng giảm. “Giá sắn ổn định từ 2.000 - 3.000 đồng/kg thì người trồng sắn đã có thu nhập ổn định và yên tâm gắn bó với cây sắn.  Giá sắn tăng cao như hiện nay, thì việc người dân mở rộng diện tích là khó tránh khỏi.  Điều này sẽ phá vỡ quy hoạch  cơ cấu cây trồng trên địa bàn, chưa kể tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá cả, đầu ra của sản phẩm. Hậu quả của nhiều vụ sắn trước, sắn thu hoạch về đến nhà nhưng không có người đến thu mua, giá rẻ, rồi mất mùa… là điều mà người trồng sắn cần cẩn trọng khi quyết định xuống giống cho vụ sau”, ông Hoạt  khuyến cáo.

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.