Kinh tế hợp tác xã: Sức bật mới từ những người trẻ
Sự xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới mẻ, táo bạo của những người trẻ đã mang đến sức sống mới cho hoạt động kinh tế hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh.
Ông chủ trẻ và mô hình chăn nuôi VietGAP
Nhận thấy việc chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún không mang lại hiệu quả kinh tế cao, tháng 4 – 2017, anh Hoàng Minh Tuân (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) đã tập hợp 7 người trẻ khác để thành lập HTX Sản xuất và Kinh doanh nông nghiệp Quân Vương do anh làm Giám đốc. HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, ấp nở, kinh doanh giống gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Cụ thể, hệ thống chuồng trại đầu tư xây dựng bài bản trên diện tích 1,6 ha, được cơ quan chức năng công nhận bảo đảm an toàn dịch bệnh. Giống gà bố, mẹ với các dòng gà ta, lai chọi và gà Lương Phượng nhập từ các trung tâm giống ở Hà Nội từ một ngày tuổi và cho nuôi ở hệ thống trại hậu bị trong vòng 4 tháng để chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh. Từ tháng thứ 5, gà mới cho sinh sản và cũng khai thác khoảng 5 tháng là thay giống, nên con giống đạt tỷ lệ nở 75%, tỷ lệ nuôi sống 97%, sau hơn 3 tháng đạt trọng lượng 1,8 – 2 kg/con. Hiện trang trại của HTX có 9.000 con gà giống bố, mẹ các loại, mỗi tháng cho xuất chuồng 40.000 con gà giống. Với việc gà bố, mẹ được nuôi tại chỗ nên con giống có giá rẻ, có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu tốt hơn so với các loại giống nhập từ nơi khác. Do vậy gà giống ở đây không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất đi các trang trại chăn nuôi ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông.
Anh Phùng Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã giống cây trồng thanh niên Hòa Thắng đang chăm sóc vườn ươm. |
Bên cạnh nuôi gà giống, từ đầu năm 2018, HTX đã đưa vào nuôi 2.000 con gà thịt bằng hình thức thả vườn theo tiêu chuẩn Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Theo đó, khi xuất chuồng, gà thịt được kiểm tra, đánh giá toàn bộ quy trình sản xuất từ truy xuất nguồn gốc đến vệ sinh chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y bảo đảm dư lượng kháng sinh, hóa chất, hooc môn tăng trưởng đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Anh Hoàng Minh Tuân cho biết, thị trường gà sạch rất rộng, sau khi xuất chuồng lứa này, HTX sẽ liên kết với người dân địa phương để phát triển số lượng gà thịt thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, đơn vị sẽ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Về thị trường, HTX sẽ kết nối các nhà hàng, siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch để tiêu thụ sản phẩm gà thịt. Ngoài ra, đơn vị cũng đang có kế hoạch xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, hệ thống cấp đông, đóng gói sản phẩm để hình thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín theo tiêu chuẩn an toàn sinh học từ chuồng trại đến chế biến và tiêu thụ. Cùng với đó, HTX cũng sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gà thịt theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị và phát triển thị trường tiêu thụ.
Làn gió mới cho kinh tế HTX
Trong khoảng vài năm nay, nhiều bạn trẻ năng động, chung chí hướng và khát khao làm giàu đã liên kết lại để cùng nhau phát triển kinh tế hình thành nên những mô hình HTX thanh niên, bước đầu cho hiệu quả tích cực. HTX thanh niên đầu tiên trên địa bàn tỉnh là HTX thanh niên xã Ea Tân (Krông Năng) được thành lập tháng 9–2016. HTX hiện có 26 thành viên, canh tác 50 ha tiêu, sầu riêng, bơ… và cung ứng dịch vụ cây giống, vật tư nông nghiệp, thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Anh Nguyễn Đức Phước, Giám đốc HTX cho biết, mặc dù hoạt động chưa lâu, nhưng tất cả các thành viên đã quen với việc canh tác bền vững, áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm tăng, tỷ lệ tổn thất giảm, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
“Sự tham gia của lực lượng thanh niên, trí thức trẻ đã tạo nên làn gió mới, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, năng lực hoạt động của các HTX, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động”.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh
|
Ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như huyện biên giới Ea Súp, nhiều bạn trẻ cũng đã mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế HTX, đơn cử như HTX Nấm và Dịch vụ nông nghiệp (xã Ya Tờ Mốt) – nơi tập hợp 7 thanh niên địa phương tham gia góp vốn để phát triển nghề trồng nấm theo hướng hàng hóa. Theo đó, HTX đã liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ để hình thành mô hình sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ và liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn nấm rơm, mang lại thu nhập bình quân hơn 15 triệu đồng/tháng/thành viên.
Ngoài 2 đơn vị trên, một số mô hình HTX thanh niên khác cũng hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả như: HTX thanh niên Phú Xuân, (huyện Krông Năng), HTX thanh niên Cư Pơng (huyện Krông Búk), HTX giống cây trồng thanh niên Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột). Trong kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh thời gian tới cũng đã đề ra mục tiêu mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất một HTX do thanh niên làm chủ. Bên cạnh đó, để hình thành những HTX kết nối thanh niên dám nghĩ dám làm ở nông thôn, kinh tế HTX cũng đã thu hút được sự quan tâm của đội ngũ trí thức trẻ, nhất là kỹ sư nông nghiệp, cử nhân kinh tế và công nhân lành nghề. Nhằm phát huy sức trẻ và nâng cao chất lượng cán bộ HTX, tỉnh đã lựa chọn 5 HTX nông nghiệp để đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc. Theo đó, từ 2018-2020, 10 trí thức trẻ sẽ về làm việc tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (huyện Cư M’gar), HTX Sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi (huyện Krông Năng), HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông), HTX Sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (huyện Krông Pắc) và HTX Nông nghiệp, dịch vụ và thương mại Hợp Nhất (huyện Ea Kar).
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc