Những bước tiến trong nông nghiệp nông thôn
Những năm qua với sự nỗ lực của các cấp, ngành, diện mạo nông nghiệp, nông thôn Đắk Lắk đã có những bước chuyển mình ấn tượng trên mọi lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn.
Năm 2017 tiếp tục đánh dấu bước tiến của ngành Nông nghiệp khi tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 38.167 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2016, tốc độ tăng trưởng đạt 4,25%, vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 575 triệu USD, đạt 100,9% kế hoạch, tăng 4,55% so với kết quả thực hiện của năm 2016. Thủy lợi bảo đảm nước tưới cho trên 77% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, đạt 100% kế hoạch đề ra. Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy đặc trưng từng vùng đất và lợi thế cạnh tranh lành mạnh của ngành hàng gắn với nhu cầu thị trường. Trong đó một số ngành hàng lớn có thế mạnh của tỉnh tiếp tục khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh mới.
Cụ thể là giữ vững vị trí là tỉnh sản xuất cà phê lớn thứ nhất cả nước với tổng diện tích hơn 202.000 ha, sản lượng ước đạt 448.600 tấn (tăng hơn 13.800 tấn so với năm 2016), giá trị xuất khẩu tăng 9,79%. Kế tiếp là tổng diện tích hồ tiêu ước thực hiện trên 42.500 ha, sản lượng gần 62.480 tấn vươn lên vị trí thứ nhất cả nước về diện tích và sản lượng, giá trị xuất khẩu tăng 42,8%. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất cà phê, hồ tiêu, cây dược liệu, rau, quả từng bước được nhân rộng đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân từ 150-300 triệu đồng/ha.
Vườn cà phê xen canh cây ăn quả ở huyện Krông Pắc. |
Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự chuyển biến rõ nét từ hình thức tổ chức sản xuất đến số lượng, chất lượng sản phẩm. Theo đó, nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô tập trung theo quy hoạch vùng chăn nuôi của từng địa phương, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường vừa xây dựng và phát huy hiệu quả các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi từ con giống đến quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP đã tạo dựng nên diện mạo mới cho ngành.
Điển hình như mô hình nuôi heo máy lạnh của Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Minh Phát (huyện Buôn Đôn), Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại cám Fukoku Tây Nguyên… Hình thức chăn nuôi nông hộ cũng chuyển biến tích cực khi nông dân chú trọng đầu tư chuồng trại với hệ thống xử lý nước thải bằng hầm biogas, đệm lót sinh học… đã tiêu diệt nguồn bệnh phát sinh từ phế thải, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh. Việc chuyển đổi cơ cấu giống từ bò địa phương sang các giống nhập ngoại như lai Sind, Brahman, Droughtmaster… đã gia tăng giá trị ngành chăn nuôi, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Vị thế ngành chăn nuôi từng bước được nâng cao khi số lượng, chất lượng tăng liên tục. Ước tính hiện nay toàn tỉnh có khoảng 39.750 con trâu, sản lượng thịt hơi đạt 2.310 tấn (chiếm 47% về số lượng và 56% sản lượng thịt hơi vùng Tây Nguyên); hơn 234.600 con bò, sản lượng 12.900 tấn (chiếm 33% về số lượng và 30% về sản lượng thịt hơi khu vực); 734.000 con lợn, sản lượng thịt hơi đạt 124.500 tấn (chiếm 45% về số lượng, 59% về sản lượng) trở thành tỉnh có tổng đàn lợn lớn nhất khu vực Tây Nguyên, thứ 9 của cả nước… Tổng giá trị ngành chăn nuôi năm 2017 đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm 2010.
Vườn cà phê xen canh hồ tiêu lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước ở huyện Cư M’gar. |
Sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thu nhập của người dân nông thôn tăng lên nên các phong trào phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, diện mạo nông thôn từng bước khởi sắc khi số xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục tăng với 30 xã đạt chuẩn. Xét về tiêu chí xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đạt 1.927/2.888 tiêu chí (bằng 66,7% tổng số tiêu chí cần đạt), tăng 122 tiêu chí so với cuối năm 2016; bình quân toàn tỉnh đạt 12,68 tiêu chí/xã, tăng 0,8 tiêu chí so với cuối năm 2016. Trong đó, chất lượng một số tiêu chí quan trọng như quy hoạch, thông tin và truyền thông, hình thức tổ chức sản xuất… ngày càng được nâng cao đã góp phần định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, chú trọng yếu tố cảnh quan môi trường nên chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn tiếp tục được nâng lên.
Với sự nỗ lực phấn đấu của người dân và sự chỉ đạo, định hướng của các cấp, ngành, tin tưởng rằng năm 2018 ngành Nông nghiệp tiếp tục gặt hái được những thành công mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 4,5%, tạo bệ phóng vững chắc để hoàn thành mục tiêu thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (nâng số xã lũy kế đạt chuẩn lên 40 xã), riêng TP. Buôn Ma Thuột hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc