Multimedia Đọc Báo in

Cây bơ đối mặt với biến đổi khí hậu

10:06, 24/05/2018
Bơ được đánh giá là cây trồng thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Đắk Lắk và đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con. Tuy nhiên khoảng vài năm trở lại đây thời tiết biến đổi bất thường đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của bơ.

Người cười kẻ khóc

Tác động rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu thời gian qua là có những vườn bơ thu về hàng chục tấn quả mỗi năm, bỗng dưng hai năm trở lại đây năng suất giảm mạnh, thậm chí không có quả để thu hoạch hoặc vùng được vùng mất. Gia đình ông Hoong Trần Sáng (thôn 6, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) có 700 cây bơ booth 6 năm tuổi trồng xen canh trong vườn cà phê. Mặc dù thời tiết năm nay không thuận lợi, việc chăm sóc bơ khó khăn hơn nhưng thời điểm cây ra hoa nắng đẹp nên tỷ lệ bơ đậu quả cao. Dự kiến sản lượng bơ năm nay ước đạt trên 60 tấn, với giá 40.000 đồng/kg thì gia đình thu lãi khoảng 2 tỷ đồng. Từ loại cây trồng xen canh nhằm mục đích che bóng, chắn gió cho cà phê nhưng hiện tại bơ trở thành cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình ông. Cũng trên địa bàn huyện Ea H’leo, niềm vui lại không đến với các hộ dân xã Ea H’leo (cách Ea Nam 30 km) khi nhiều vườn bơ ở đây năm năm nay bị mất mùa. Ông Trương Thanh Loan (thôn 9, xã Ea H’leo) đang đau đầu vì vườn bơ năm nay mất mùa nặng khi 120 cây bơ booth (xen canh trong 1,2 ha hồ tiêu) ra hoa trúng cơn mưa trái mùa kéo dài liên tiếp 2 ngày vào tháng 2-2018. Do đó hoa nở đầy cành nhưng rụng đầy gốc, số lượng cây đậu quả chưa đạt một nửa, số quả trên cây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chưa hết, mưa trái mùa kéo dài đi kèm với sương muối làm độ ẩm trên vườn tăng cao, tạo điều kiện cho một số loại mầm bệnh phát sinh gây hại vườn cây. Hiện tại, một số cây bơ trên vườn đang bị bệnh nứt thân, xì mủ khiến ông loay hoay chạy chữa mãi chưa hết.

Mưa bất thường khiến một số cây bơ của gia đình ông Trương Thanh Loan (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) bị bệnh nứt thân, xì mủ.
Mưa bất thường khiến một số cây bơ của gia đình ông Trương Thanh Loan (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) bị bệnh nứt thân, xì mủ.

Huyện Cư M’gar cũng là vùng trọng điểm sản xuất bơ của tỉnh với tổng diện tích bơ lên đến gần 1.000 ha, trong đó có những vườn bơ thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên trước sự tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây cây bơ liên tiếp bị mất mùa làm nông dân thất thu. Ông Bành Việt Tùng (thôn 4, xã Ea Kpam) có 3 ha bơ cho hay, năm 2017 gia đình gần như mất trắng mùa bơ khi cây ra hoa đúng thời điểm mưa đầu mùa. Năm nay mặc dù gia đình ông đã chủ động bón phân sớm để né mưa, nhưng thời tiết khó lường, mưa sớm khiến 40% diện tích bơ bị mất mùa.

Chủ động sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 4.000 ha bơ các loại, trong đó có những dòng bơ chất lượng cao trong nước và nhập nội được thị trường ưa chuộng như bơ sáp, booth, tứ quý, Hass, bơ Úc… Trong điều kiện thời tiết bất thường người dân đã có những biện pháp canh tác tương thích như điều chỉnh thời điểm ra hoa, thu hoạch, cắt tỉa cành thường xuyên… đã hạn chế phần nào tác động của biến đổi khí hậu. Chị Nguyễn Thị Thu (thôn 8, xã Ea Kpam) cho hay, rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay chị điều chỉnh cho 50/100 cây bơ ra hoa sớm hơn bằng cách bón phân, tưới nước sớm hơn những năm trước. Đồng thời thường xuyên thăm vườn nên những hôm chịu ảnh hưởng không khí lạnh kèm sương muối (xảy ra ngày 11-5-2018) chị lại tưới nước để rửa trôi axit, sương muối đọng trên cây để hạn chế sự rụng trái… Nhờ đó cây bơ năm nay đậu trái tốt hơn, dự tính mỗi cây thu về khoảng 2 tạ, với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg thì gia đình lãi khoảng 200 triệu đồng.

Vườn bơ được mùa của chị Nguyễn Thị Thu (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar).
Vườn bơ được mùa của chị Nguyễn Thị Thu (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar).

Trên thực tế câu chuyện năm được mùa, năm mất mùa hay vùng được mùa,  vùng lại mất mùa, chênh lệch năng suất hàng tấn tại một vài địa phương đã xảy ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây mức độ chênh lệch năng suất có sự khác biệt rõ rệt do hiện tượng mưa trái mùa cục bộ diễn ra với tần suất xuất hiện dày hơn nên một số vùng mất mùa còn những vùng không bị ảnh hưởng thì năng suất tăng trên 10% so với năm trước. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT phân tích, tình trạng mất mùa rải rác do tác động của biến đổi khí hậu xảy ra trên tất cả các loại cây trồng, chứ không riêng gì cây bơ. Do đó để thích ứng với điều kiện thời tiết biến đổi bất thường thì ngoài việc chủ động chăm sóc, bón phân, điều chỉnh thời gian ra hoa… thì nông dân nên trồng xen các giống bơ trên vườn để tạo điều kiện cho cây bơ thụ phấn chéo, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc thu nhập vào một giống bơ nhất định.

Thùy Băng Thanh
 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.