Ea Súp gặp khó về giao thông
Cách TP. Buôn Ma Thuột hơn 70 km, Ea Súp là huyện nghèo khi sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, hệ thống giao thông đường bộ xuống cấp chưa được đầu tư, sửa chữa kịp thời khiến việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân càng khó khăn hơn.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện thì Ea Súp hiện có 827 km đường giao thông nhưng chỉ có hơn 197,6 km được cứng hóa (gần 24 %). Trong đó đường quốc lộ 95 km (Quốc lộ 29, 14C) đã được cứng hóa 23 km (24,21%); tỉnh lộ 1 là 17 km, cứng hóa 17 km (100%); đường liên huyện 60 km chưa được cứng hóa; đường đô thị gần 32,2 km, cứng hóa gần 19,7 km (61,2%); đường huyện gần 128 km, cứng hóa hơn 99 km (77,6%); đường xã 283 km, cứng hóa 16,3 km (6%); đường liên xã gần 10,4 km, cứng hóa hơn 3,5 km (gần 34%); đường trục thôn xóm hơn 201,6 km, cứng hóa 21,9 km (11%).
Một chiếc xe tải bị mắc kẹt trên đường vào xã Cư K’Bang. |
Không chỉ tỷ lệ cứng hóa bằng nhựa, bê tông đạt thấp mà nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay khiến việc giao thương gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Văn Dũng, một tiểu thương ở thị trấn Ea Súp cho biết, tuyến đường từ trung tâm thị trấn Ea Súp đi xã Ia R'vê dài khoảng 50 km đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là đoạn ngang qua Cầu trắng xã Ea Lê không được đầu tư sửa chữa kịp thời nên mặt cầu lồi lõm những ổ voi, ổ gà, còn dọc tuyến đường bị hư hỏng mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi mù khiến thời gian đi hết đoạn đường mất gần 2 tiếng đồng hồ. Tương tự, tuyến đường từ thị trấn Ea Súp đi xã Cư Kbang hiện nay vẫn đang là đường cấp phối đã xuống cấp nên việc giao thương hàng hóa gần như bị đình trệ vào mùa mưa, đầu ra của nông sản rất bấp bênh. Các tuyến đường liên huyện Ea Súp đi Cư M’gar, Ea Súp đi Ea H’leo cũng không khá hơn. Do đó giá các loại vật tư, máy móc, hàng tiêu dùng cao hơn mặt bằng chung 10 - 20% tùy loại hàng hóa.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ea Súp thì kết cấu hạ tầng mạng lưới giao thông của huyện vẫn còn thấp, nhiều tuyến đường chịu áp lực về suất đầu tư nên diện tích được cứng hóa nhỏ, bề rộng chỉ khoảng 3,5 m, lại không được đầu tư, sửa chữa kịp thời nên hiện nay đã bị hư hỏng nặng. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư sửa chữa thấp nên nhiều công trình chỉ được sửa chữa theo hình thức chắp vá bằng đất, đá dăm dẫn đến tuổi thọ công trình chưa cao. Ea Súp là huyện nghèo nên việc huy động nguồn vốn xã hội hóa từ nhân dân và các tổ chức xã hội để làm đường gần như không thực hiện được.
Tỉnh lộ 1 đoạn qua xã Cư M’lan bị xuống cấp nhiều năm nay chưa được đầu tư sửa chữa. |
Trước thực trạng đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế của người dân, năm 2017 huyện đã đầu tư 850 triệu đồng để sửa chữa tạm thời các tuyến đường, trong đó tuyến đường từ xã Ea Rốk đi Ea Lê 450 triệu đồng, tuyến Ea Lê đi Ea Bung 200 triệu đồng, đoạn đường từ thôn 10, xã Ea Bung đi xã Ya Tờ Mốt 200 triệu đồng… Ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ea Súp cho biết, trên địa bàn huyện có quá nhiều tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp, mà nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng hạn chế nên địa phương phải dàn trải đều khắp các tuyến đường đang quản lý. Vì vậy, các tuyến đường bị xuống cấp đều được chắp vá bằng đất để giải quyết tạm thời tình trạng gập ghềnh vào mùa khô, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, còn mùa mưa đành bó tay…
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc