Multimedia Đọc Báo in

Làm sao để liên kết sản xuất được bền chặt?

08:49, 07/05/2018

Những tưởng việc liên kết sản xuất sẽ giúp nông dân không lo lắng đến đầu ra bởi đã có doanh nghiệp (DN) bảo đảm cho việc thu mua sản phẩm nhưng thực tế lại trái ngược với những điều người dân mong muốn.

Còn nhớ, năm 2016 giá nghệ củ tăng cao khiến năm 2017 diện tích nghệ trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Bên cạnh những hộ đổ xô trồng nghệ tự phát thì có khá nhiều hộ chọn hình thức liên kết với DN để sản xuất nhằm tránh những rủi ro khi cung vượt cầu. Thế nhưng khi DN không giữ chữ tín, nông dân lại khốn đốn. Đơn cử tại xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc), nhiều hộ lao đao vì liên kết trồng nghệ với Công ty Cổ phần Solavina, vì đã đến vụ thu hoạch mà dân chờ "dài cổ" vẫn chưa thấy bóng dáng của công ty vào thu mua. Mặc dù chính quyền địa phương đã mời vào làm việc và phía công ty cũng hứa hẹn sẽ thu mua cho bà con nhưng sau đó thì không thấy quay trở lại. Được biết, năm 2017, công ty liên kết với các hộ dân ở đây trồng được khoảng 16 ha nghệ, cam kết thu mua với giá sàn là 7.500 đồng/kg. Tuy nhiên khi giá nghệ giảm sâu, năng suất củ nghệ lại không đạt yêu cầu nên công ty đã “bỏ của chạy lấy người” mặc dù trước đó đã đầu tư giống, phân bón cho bà con.

Vùng trồng nghệ liên kết giữa người dân với Công ty Cổ phần Solavina tại xã Krông Búk (huyện Krông Pắc). Ảnh: Thuận Tuyết
Vùng trồng nghệ liên kết giữa người dân với Công ty Cổ phần Solavina tại xã Krông Búk (huyện Krông Pắc). Ảnh: Thuận Tuyết

Hay trường hợp liên kết trồng gừng giữa các hộ dân trên địa bàn tỉnh với Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam. Năm 2017, Công ty này cũng đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu gừng trồng trong bao với nhiều hộ dân ở TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện Cư M’gar, Krông Ana... Tuy nhiên, khi gừng bị bệnh chết thì phía công ty tìm cách thoái thác trách nhiệm và không thu mua theo cam kết trong hợp đồng.

Trên thực tế, còn rất nhiều những hợp đồng liên kết sản xuất được thực hiện giữa nông dân và DN, song việc liên kết này hiện đang còn rất lỏng lẻo, bởi hợp đồng ký kết còn nhiều “khe hở” để DN tránh né trách nhiệm khi có sự cố xảy ra, trong khi người dân thì không có cách nào để buộc DN thực hiện đúng cam kết như trong hợp đồng. Do đó, để việc liên kết bảo đảm được lợi ích của 2 bên, rất cần có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cùng với sự giám sát của Nhà nước trong việc thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất.

Lê Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.