Multimedia Đọc Báo in

Phát huy nội lực để giữ vững các tiêu chí của xã nông thôn mới

09:39, 24/05/2018

Xã Phú Lộc nằm ở vị trí gần trung tâm của huyện Krông Năng, kinh tế của xã chủ yếu là từ các sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu và cao su… Đây là lợi thế rất lớn cho địa phương trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giao thương, trao đổi hàng hóa cũng như thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM.

Năm 2011, khi mới bước vào thực hiện xây dựng NTM, xã chỉ đạt được 8 tiêu chí, gồm: chợ nông thôn, bưu điện, thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, an ninh trật tự xã hội. Sau 7 năm (2011-2017) thực hiện Chương trình, đến nay Phú Lộc đã cán đích NTM. Theo đó hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của xã được quy hoạch, đầu tư xây dựng tương đối khang trang, đời sống kinh tế của nhân dân ngày được nâng cao, bộ mặt nông thôn được khởi sắc. Trong đó đáng chú ý là tỷ lệ các trục đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt từ 47-60%; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động đạt 84,5%; hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn đạt 94,33%. Đến năm 2017, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 35 triệu đồng, tăng so với năm 2011 là 17,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 163 hộ, chiếm 6,2%...

Đường nông thôn mới đang được hoàn thiện trên địa bàn xã Phú Lộc.
Đường nông thôn mới đang được hoàn thiện trên địa bàn xã Phú Lộc. Ảnh: N.Huyền

Từ những kết quả đạt được, xã xác định muốn có nguồn lực để tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM thì trước hết phải phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập kết hợp với việc vận động nhân dân tham gia tích cực các phong trào xây dựng NTM. Vì vậy xã đã chỉ đạo Ban tự quản các thôn tăng cường đưa  khoa học kỹ thuật đến với nông dân để áp dụng vào sản xuất đối với các loại cây như cà phê, tiêu, mắc ca… nhằm tăng năng suất, giá trị sản phẩm. Mặt khác, tập trung phát triển các ngành nghề thương mại-dịch vụ, góp phần giúp tăng trưởng kinh tế của xã được ổn định. Đến nay, phần lớn các hộ dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.

Một trong những thôn đi đầu trong phong trào xây dựng NTM là thôn Lộc Xuân, trong 7 năm thực hiện chương trình, thôn đã huy động nhân dân đóng góp được trên 2,3 tỷ đồng để xây dựng công trình cấp điện cho thôn, 1 đập thủy lợi nhỏ; cùng Nhà nước làm 2,3 km đường bê tông (Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp tiền và ngày công lao động). Đến nay, các trục đường giao thông trong thôn cơ bản đã được bê tông 60%. Sau khi xã đạt chuẩn NTM, Ban tự quản thôn tiếp tục vận động nhân dân đóng góp để 100% các trục đường trong thôn được cứng hóa để đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, thôn còn tập trung phát triển sản xuất để nâng cao đời sống cho nhân dân, ổn định và thu nhập bình quân đầu người của thôn từ 45 triệu đồng trở lên.

Đường bê tông ở thôn Lộc Thịnh do nhân dân đóng góp xây dựng Ảnh: N.Huyền
Đường bê tông ở thôn Lộc Thịnh do nhân dân đóng góp xây dựng.  Ảnh: N.Huyền

Ông Nguyễn Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban quản lý các Chương trình mục tiêu Quốc gia của xã cho biết, được công nhận xã NTM đó mới chỉ là thành quả bước đầu, để giữ vững được danh hiệu xã NTM và phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020 là một chặng đường còn nhiều khó khăn và thử thách. Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã càng phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là tranh thủ tối đa mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân, từ đó mới phát huy được nội lực trong nhân dân, đóng góp xây dựng NTM.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc