Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Nan giải với du lịch cộng đồng

09:41, 24/05/2018

Không gian truyền thống của buôn làng bị phá vỡ; vốn văn hóa cổ truyền bị mai một; đặc biệt là đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ đã hoàn toàn thay đổi… khiến việc xây dựng và triển khai loại hình du lịch cộng đồng (home stay) trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột trở nên nan giải.  

Trước thực trạng trên, những ngày cuối tháng 4 vừa qua, UBND TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Hiệp hội du lịch Đắk Lắk cùng các ban, ngành liên quan tổ chức khảo sát thực địa tại 2 buôn người dân tộc Êđê (Kmrơng Prông B – xã Ea Tu và Akô Dhông – phường Tân Lợi) nhằm xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng tại đây. Qua đợt khảo sát cho thấy vấn đề quan trọng và đáng lưu tâm nhất là cảnh quan thiên nhiên của hai buôn trên đã bị xâm hại, biến dạng nghiêm trọng do những tác động tiêu cực từ “cơn lốc” đô thị hóa diễn ra.

Với buôn Akô Dhông, mặc dầu có lợi thế là nằm ngay trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột, dễ dàng kết nối với các cơ sở lưu trú, dịch vụ, thương mại sầm uất; nhưng cũng vì thế mà không gian buôn làng ở đây nhanh chóng bị phá vỡ so với nơi khác. Trưởng buôn Y Wol Niê cho biết, đến nay chỉ còn 68 hộ gia đình người Êđê sinh sống trên địa bàn, còn lại là người Kinh từ  nơi khác đến sinh cơ lập nghiệp trong vài chục năm qua. Trong thời gian tới, số hộ người Kinh sẽ còn tăng lên nhiều, khi đó áp lực đô thị hóa tại “buôn trong phố” này chắc chắn sẽ nặng nề hơn. Ông Y Wol còn lưu ý, nhìn tổng thể thì buôn Akô Dhông vẫn còn đó với 27 nếp nhà dài được gìn giữ và tôn tạo lại trên diện tích khoảng 40 ha, nhưng khi đi vào thực chất của vấn đề (cảnh quan, kiến trúc và thiết chế tự quản hoàn chỉnh) của buôn làng truyền thống thì hầu như chỉ còn trên danh nghĩa. Nhiều ngôi nhà cao tầng, hiện đại không ngừng mọc lên san sát phía sau những ngôi nhà dài, khiến bất kỳ ai đến đây đều có cảm giác bức bối vì không gian (bề rộng cũng như chiều cao) đều bị chiếm dụng tối đa nhằm phục vụ nhu cầu dân sinh. 

Du khách đến tham quan buôn Akô Dhông.
Du khách đến tham quan buôn Akô Dhông.

Tương tự, buôn Kmrơng Prông B cũng không lấy gì làm lạc quan lắm khi thực tế cho thấy cả cộng đồng đông đúc ở đây chỉ sót lại 8 ngôi nhà dài truyền thống, còn gần 260 hộ gia đình đã cơ bản “bê tông hóa” ngôi nhà của mình trong những năm gần đây. Bà H’Triệu Kdor, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tu cho rằng, tình trạng này đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn - và số phận những ngôi nhà dài còn lại kia cũng hết sức bấp bênh, bởi phần thì hư hại, xuống cấp nghiêm trọng, bà con không có tiền để sửa chữa, phần phải phá bỏ đi để lấy đất chia cho con cháu khi được dựng vợ, gả chồng…vì thế buôn làng trở nên xô bồ và lạc lỏng, không còn mang vẻ đẹp thuần khiết như xưa. Điều quan trọng và đáng lo ngại hơn là vốn văn hóa (vật thể lẫn phi vật thể) ở đây đã mất mát quá nhiều, nếu không nói là trống rỗng. Cả buôn chỉ có mỗi gia đình ông Y Jui Êban giữ lại được chiếc nghế Kpal, một cái trống và gần chục chiếc chóe lớn nhỏ, còn cồng chiêng cũng như các loại nhạc cụ truyền thống khác đã biến mất! Ông Y Jui thổ lộ, hầu hết bà con không đánh chiêng, không làm rượu cần và hát hò, nhảy múa như trước nên họ không còn thiết tha gìn giữ vốn văn hóa ấy nữa.

 Đoàn khảo sát thực địa bến nước buôn Kmrơng Prông B.
Đoàn khảo sát thực địa bến nước buôn Kmrơng Prông B.

Du lịch cộng đồng là du lịch trải nghiệm với đời sống của người dân, nhưng một khi đời sống ở đó đã thay đổi theo chiều hướng không tích cực, khiến các giá trị đặc trưng và tiêu biểu để nhận diện một cộng đồng không còn nguyên vẹn, chân thật nữa thì không thể nào hấp dẫn và thu hút được du khách. Ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL thừa nhận rằng cả hai buôn trên đã bộc lộ rõ điều đó nên việc xây dựng và triển khai loại hình du lịch này trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn hết sức gian nan; đòi hỏi các cấp, ngành liên quan phải có giải pháp đồng bộ, có quyết tâm cao trong vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức thực hành văn hóa, lối sống… đúng với truyền thống của mỗi cộng đồng dân tộc thì mới hy vọng sản phẩm du lịch trên trở thành hiện thực.

Du lịch cộng đồng là du lịch trải nghiệm với đời sống của người dân, nhưng một khi đời sống ở đó đã thay đổi theo chiều hướng không tích cực, khiến các giá trị đặc trưng và tiêu biểu để nhận diện một cộng đồng không còn nguyên vẹn, chân thật nữa thì không thể nào hấp dẫn và thu hút được du khách.  

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.