Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở Cư Đrăm: Nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ

09:56, 24/05/2018

Sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) đã có những đổi thay tích cực, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên để hoàn thành chương trình vẫn còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ…

Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, xã Cư Đrăm mới đạt được 7 tiêu chí: quy hoạch, thủy lợi, bưu điện, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, y tế, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh - trật tự xã hội. Các tiêu chí còn lại đang ở mức thấp, chủ yếu đạt từ 50/100 điểm trở xuống so với yêu cầu. Trong đó “nút thắt” khó gỡ nhất là các tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo, giao thông, nhà ở dân cư, cơ sở hạ tầng và thương mại nông thôn…

Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm Nguyễn Văn Trung cho biết: Là một trong những xã đặc biệt khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp với các loại cây trồng chính là hoa màu, ngô, sắn. Hầu hết diện tích canh tác lại nằm trên đất dốc, địa hình chia cắt phức tạp, gây khó khăn cho việc thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, vì vậy năng suất đạt thấp, trong khi đó chi phí cho đầu tư và công lao động cao. Việc tiêu thụ nông sản cũng gặp phải không ít trở ngại do giao thông đi lại khó khăn. Hiện tại xã chỉ mới bê tông, cứng hóa được 56/92 km đường giao thông nông thôn, còn lại là đường đất. Mặc dù hằng năm các tuyến đường này đều được nhân dân tu sửa, nhưng do không được cứng hóa, nên chỉ sau một vài đợt mưa lớn lại trở nên lầy lội.

Mô hình trồng dứa đang được nhân rộng trên địa bàn xã Cư Đrăm.
Mô hình trồng dứa đang được nhân rộng trên địa bàn xã Cư Đrăm.

Không chỉ loay hoay tháo gỡ “nút thắt” về giao thông, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo cũng là vấn đề nan giải của xã Cư Đrăm hiện nay. Những năm qua tuy xã đã nhận được hỗ trợ, đầu tư từ các chương trình, dự án, cùng sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong thực hiện các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (chiếm 49,23%); thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 15 triệu đồng/năm (bằng 55,7% so với thu nhập bình quân đầu người chung của tỉnh).

Thực tế cho thấy, cái khó nhất để thực hiện tiêu chí thu nhập chính là cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là nông nghiệp (chiếm 90%); sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển đồng bộ; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm so với yêu cầu. Thêm vào đó, các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ kém phát triển, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế nên việc kéo giãn lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp không phải là chuyện có thể giải quyết trong thời gian ngắn được.

Để tăng mức thu nhập, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế như: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại; mở rộng diện tích trồng các loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt là cây dứa. Tuy nhiên, những giải pháp này mới chỉ dừng lại ở việc giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn, chứ chưa thực sự nâng mức thu nhập theo đúng tiêu chuẩn.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn của xã Cư Đrăm  chưa được bê tông, cứng hóa.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn của xã Cư Đrăm chưa được bê tông, cứng hóa.

Ngoài những khó khăn trên, xã Cư Đrăm còn phải đối mặt với một loạt những khó khăn khác về cơ sở hạ tầng, điện, trường, trạm, môi trường... Tính đến thời điểm hiện tại, xã có đến 5 thôn chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng; nhiều điểm trường xuống cấp nghiêm trọng, còn thiếu khu vệ sinh, sân, cổng, tường rào, nhà hiệu bộ, nhà chức năng; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp…

“Chủ trương của Đảng ủy, chính quyền xã trong xây dựng NTM là tiêu chí nào dễ thực hiện trước, tiêu chí khó thì thực hiện sau. Năm 2018, xã phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí: hình thức tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; song song đó tận dụng mọi nguồn lực để thực hiện dần các tiêu chí còn lại. Tuy nhiên do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động đóng góp khá khiêm tốn. Đây cũng là trở ngại lớn trong quá trình xây dựng NTM ở địa phương…”, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm Nguyễn Văn Trung chia sẻ.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.