Multimedia Đọc Báo in

Quả ngọt trên vùng đất trũng

09:06, 12/06/2018

Xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) có 3.100 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 200 ha đất trồng lúa có địa hình thấp trũng, vào vụ thu đông thường bị ngập úng nên người dân không thể gieo trồng. Từ năm 2014, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, chuyển hướng sang trồng cam sành, bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.

Anh Nguyễn Thành Tuân (thôn 15) được xem là người tiên phong đem cây cam về trồng tại địa phương. Trước đây, 8 sào đất đồi sỏi đá của gia đình anh Tuân từng trồng bắp, đậu đến cà phê nhưng do điều kiện đất đai, khí hậu không phù hợp nên không đạt hiệu quả. Năm 2014, anh Tuân quyết định chuyển 3 sào cà phê sang trồng 330 gốc cam sành. Để việc trồng cam của gia đình đạt hiệu quả, anh Tuân đã lặn lội xuống tận các nhà vườn trồng cam ở Bến Tre để học hỏi kinh nghiệm. Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc mà vườn cam của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, sau hai năm rưỡi đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Niên vụ 2016-2017, vườn cam đạt sản lượng 5 tấn, với giá bán 20.000 đồng/kg đã giúp anh thu lãi hơn 50 triệu đồng. Nhận thấy cây cam phát triển tốt, đem lại lợi nhuận cao, năm 2016, anh Tuân tiếp tục cải tạo 4 sào đất trồng lúa một vụ của gia đình để trồng cam sành, quýt ngọt.

Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Thành Tuân (thôn 15, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc).
Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Thành Tuân (thôn 15, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc).

Với mong muốn có giá bán cao, thị trường đầu ra ổn định, vụ cam năm nay anh Tuân đã quyết định ép cho cam ra  hoa trái vụ bằng cách khắc vỏ, siết nước. Theo anh Tuân, hiệu quả kinh tế mà cây cam mang lại hơn rất nhiều lần so với trồng cà phê bởi chi phí đầu tư, lượng nước tưới cho cây cam không nhiều. Tuy nhiên cam là loại cây trồng rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh nên đòi hỏi người trồng phải bám vườn cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc từ làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh…

Với 4 sào ruộng trồng lúa hai vụ nhưng do địa hình thấp trũng, thường bị ngập úng vào mùa mưa, mùa nắng lại khô hạn nên việc sản xuất của gia đình anh Nguyễn Thành Luân (thôn 15) gặp rất nhiều khó khăn. Thấy một số vùng ở miền Tây cũng thường xuyên ngập lụt nhưng vẫn có thể trồng cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế cao, sau khi tìm hiểu qua tài liệu, sách báo, tham quan thực tiễn các mô hình thành công, năm 2016, anh Luân quyết định cải tạo toàn bộ diện tích đất trồng lúa của gia đình bằng cách bồi thêm đất, xây dựng hồ chứa nước, đào rãnh thoát nước… rồi đặt mua 400 gốc cam Valencia (V2) do Đại học Nông nghiệp Hà Nội cấy ghép về trồng.

 
“Trong năm 2018, xã sẽ tiếp tục triển khai đề án thí điểm mô hình trồng bưởi da xanh với diện tích 2 ha tại thôn 15 và thôn 18, hướng tới thành lập Hợp tác xã cây có múi theo hướng VietGAP tại địa phương”.
 
Ông Trần Thỏa Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Búk

Theo anh Luân, đây là giống cam sinh trưởng, phát triển mạnh, có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, kháng bệnh tốt, năng suất cao và ổn định, đặc biệt là chín muộn (thời gian thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau) hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau 2 năm cần mẫn chăm sóc, đến nay vườn cam đã bắt đầu cho những “quả ngọt” đầu tiên, ước tính sản lượng đạt khoảng 4 tấn, với giá bán 30.000-35.000 đồng/kg như hiện nay, vườn cam sẽ giúp gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng.  Anh Luân cho biết: “Từ lúc cây ra hoa đậu quả đến khi thu hoạch là 15 tháng, cây vừa nuôi quả vụ trước, vừa ra hoa cho vụ sau nên đòi hỏi người trồng phải cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây để có thể đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất”.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cam của anh Tuân, anh Luân bước đầu mang lại, nhiều hộ dân trong thôn cũng đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cam sành.

Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Thành Luân (thôn 15) được trồng trên đất lúa.
Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Thành Luân (thôn 15) được trồng trên đất lúa.

Với kỳ vọng cây cam sẽ mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tạo ra những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2016, Phòng NN-PTNN huyện Krông Pắc phối hợp với UBND xã Krông Búk triển khai thí điểm mô hình trồng cam sành trên đất trồng lúa một vụ cho 4 hộ dân tại hai thôn 15 và 18, trên diện tích 2 ha. Tham gia mô hình, người trồng được hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, sau 2 năm triển khai mô hình, vườn cam của các hộ dân đều sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện đất đai tại địa phương. Đến nay, các vườn đã cho quả lứa đầu tiên.

Ông Trần Thỏa Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Búk cho biết: “Ngoài việc đưa cây cam vào trồng thay thế cây lúa thì vài năm trở lại đây nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng đã mạnh dạn đưa một số loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, vải, nhãn…trồng xen vào vườn cà phê để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác. Đến nay, trên địa bàn có khoảng 20 ha đất trồng cây ăn quả”.

Tuyết Mai

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.