Sản phẩm công nghiệp nông thôn khẳng định vị thế
Đa phần các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ, khả năng tài chính, sức sản xuất có hạn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sản phẩm của nhiều cơ sở CNNT đã khẳng định được uy tín, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Là doanh nghiệp tiên phong chế biến các sản phẩm bột, bơ ca cao và sôcôla trên địa bàn tỉnh, hơn 10 năm qua, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana) đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm với chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Để phát triển sản xuất, Công ty đã liên kết với nông dân xây dựng chuỗi giá trị ca cao từ nguyên liệu đến chế biến và thương mại theo hướng bền vững.
Giày dép, ủng nhựa của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Việt Thắng là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2017. |
Về công nghệ, kỹ thuật, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ của châu Âu với công suất 50 tấn sản phẩm/tháng để chế biến ca cao hạt khô thành các loại sản phẩm: bột ca cao, bơ ca cao, sôcôla. Quy trình sản xuất cũng được chuẩn hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2015. Với chất lượng tốt, bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, sản phẩm của Công ty không chỉ chiếm ưu thế trên thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang Canada, Hoa Kỳ và các nước châu Âu, châu Á.
Ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN
|
Tương tự, Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) đã tạo dựng được thương hiệu của nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm gạo 721 đã khẳng định được uy tín trên thị trường. Bên cạnh chuyên canh sản xuất lúa giống, đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại với công suất 10 nghìn tấn/năm. Với công suất này, nhà máy đã giải quyết đầu ra cho vùng nguyên liệu diện tích 250 ha lúa/vụ của Công ty và tiêu thụ sản phẩm cho người dân các xã Cư Ni, Ea Ô, Ea Pal của huyện Ea Kar. Lúa ở đây được sản xuất tập trung theo tiêu chí sạch từ khâu chọn giống, bón phân, chăm sóc đến khi thu hoạch. Do đó, gạo sản xuất ra có ưu điểm dẻo, thơm ngon, bảo đảm độ bóng, đều, hạt đẹp và không có tồn dư hóa chất. Chất lượng bảo đảm, cùng với giá thành rẻ hơn so với một số sản phẩm nhập từ nơi khác, gạo 721 đã đứng vững trên thị trường hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Công thương, nhiều doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp vùng nông thôn đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm như cà phê, lúa gạo, ca cao, da giày, gạch ngói đã khẳng định được uy tín, vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2017, lần đầu tiên tỉnh tổ chức bình chọn Sản phẩm CNNT tiêu biểu thu hút sự tham gia của 16 sản phẩm, thuộc 9 đơn vị, trong đó có 3 sản phẩm thủ công mỹ nghệ; 7 sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến; 6 sản phẩm máy móc, thiết bị và phụ tùng cơ khí. Kết quả, 8 sản phẩm của 6 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được trao Giấy chứng nhận Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017. Ngoài ra, 5 sản phẩm của các doanh nghiệp Đắk Lắk được Cục Công nghiệp Địa phương (Bộ Công thương) công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2018.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn tại một sự kiện xúc tiến thương mại. |
Theo ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN), số lượng các sản phẩm được tôn vinh là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực chứng tỏ vị thế của sản phẩm CNNT đã được khẳng định. Tuy nhiên, để sản phẩm CNNT tiếp tục khẳng định được vị thế vững chắc hơn, bên cạnh nâng cao chất lượng hàng hóa, các đơn vị cần chủ động trong việc sắp xếp, tổ chức lại sản xuất một cách khoa học để giảm chi phí đầu vào nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc