Hiệu quả kép từ trồng xen canh cây ăn trái
Nhằm tăng giá trị kinh tế trong sản xuất, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cư M’gar mạnh dạn chuyển đổi hình thức canh tác, đa dạng hóa cây trồng. Nhờ đó, nhiều mô hình xen canh của các nông hộ đạt hiệu quả cao.
Được bố mẹ chia cho hơn 1,2 ha cà phê, anh Trần Xuân Trung ở thôn 3, xã Ea Kpam mạnh dạn nhổ bỏ để trồng mới lại toàn bộ. Tận dụng tối đa diện tích đất canh tác, anh trồng xen hơn 60 cây bơ ghép, 70 cây bơ booth cùng hơn 20 cây sầu riêng vào vườn cà phê theo một khoảng cách nhất định. Việc xen canh không chỉ giúp giữ độ ẩm cho đất mà khi cây lớn còn tạo bóng mát che phủ cho cây cà phê vào mùa nắng nóng. Đến nay, vườn bơ đã cho thu hoạch ổn định với năng suất khoảng 1 - 2,5 tạ/cây. Riêng mùa bơ năm 2018, đã cho thu trên 150 triệu đồng, bên cạnh đó cây cà phê cũng bắt đầu cho thu hoạch. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập hằng năm của gia đình trên 250 triệu đồng. Anh Trung còn tận dụng triệt để các khoảng trống ngoài rìa vườn để trồng thêm cây đinh lăng và cây chanh. Anh cho rằng, việc trồng xen canh đem lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn độc canh trên cùng một đơn vị diện tích, nhất là thời điểm giá cà phê, hồ tiêu liên tục giảm như hiện nay. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí đầu tư và thuê nhân công, anh Trung còn chủ động tự lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, có thể pha phân bón khi cần thiết.
Anh Trần Xuân Trung (thôn 3, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) thu hoạch bơ niên vụ 2018. |
Cũng như anh Trung, Ama Zim ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng nhận thấy việc chỉ trồng cây cà phê hoặc hồ tiêu thì một vụ không đủ trang trải chi phí đầu tư. Sau khi tìm hiểu, tham khảo các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế có thể trồng xen trong vườn mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê, hồ tiêu, Ama Zim thấy rằng sầu riêng là cây trồng phù hợp nhất.
Vườn sầu riêng cho ra quả năm thứ hai của gia đình anh Trần Xuân Trung (thôn 3, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar). |
Đầu năm 2010, Ama Zim mua 50 cây sầu riêng ghép DONA Techno trồng thử nghiệm trên diện tích 1,2 ha cà phê. Để cây sinh trưởng tốt, Ama Zim chú trọng áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo từng giai đoạn. Nhờ cần cù chịu khó, sau hơn 4 năm chăm sóc, năm 2014 cây sầu riêng bắt đầu cho thu quả bói và những vụ sau đã có bán ra thị trường. Niên vụ 2017, gia đình Ama Zim lãi gần 250 triệu đồng từ sầu riêng cộng thêm sản lượng cà phê đạt trên 5 tấn nên tổng nguồn thu cũng tương đối khá. Thấy được lợi ích từ việc xen canh, năm nay Ama Zim tiếp tục trồng thêm hơn 200 gốc sầu riêng và bơ nhằm cải tạo lại mảnh vườn cho bài bản hơn.
Djuang Niê
Ý kiến bạn đọc