Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh năng động làm kinh tế giỏi

08:48, 07/08/2018

Sinh ra và lớn lên ở huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), sau 3 năm phục vụ trong quân ngũ, ông Bùi Minh Lộc (sinh năm 1964) trở về quê hương lập nghiệp và cưới vợ. Thế nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn, thiếu thốn, đất canh tác hạn hẹp, nhà lại đông anh em, đến năm 1993 ông đã đưa gia đình vào thôn 1, xã Hòa Thành (Krông Bông) xây dựng kinh tế mới.

Những ngày đầu ở vùng đất mới vất vả chồng chất, vợ chồng ông với hai bàn tay trắng, không đất đai, nhà cửa, vợ ông lại đang mang thai, ông đã xin dựng căn chòi nhỏ trên đất của người dân để lấy chỗ che mưa che nắng, hằng ngày đi làm thuê, cuốc mướn chỉ để đổi lấy ba bữa cơm, đến khi vợ sinh đẻ ông phải vay mượn gạo xung quanh xóm làng để lo cho vợ con. Cũng chính cuộc sống đói nghèo đã tiếp thêm động lực để ông vươn lên; cùng với ý chí, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ông đã quyết tâm làm giàu trên mảnh đất cằn cỗi này. Ông Lộc vẫn nhớ như in, vào những đêm trăng sáng một mình một bóng làm bạn với ruộng đồng, ông tận dụng những khoảng đất người dân bỏ hoang sau khi đã thu hoạch xong vụ chính trong năm để tranh thủ cày cuốc, cải tạo lại trồng lạc vụ sau; ông còn ngăn nước ở ruộng để trồng lúa vụ phụ, đây cũng là cách làm còn mới mẻ với các hộ dân ở xã Hòa Thành lúc bấy giờ. Bởi  trước đó, người dân trong xã chỉ trồng mỗi năm 1 vụ lúa.

Ông Bùi Minh Lộc (bìa trái) bên vườn cà phê xen tiêu của gia đình.
Ông Bùi Minh Lộc (bìa trái) bên vườn cà phê xen tiêu của gia đình.

Nhờ sự ham học hỏi, cần mẫn, chịu khó làm lụng, sau nhiều năm với số vốn tích góp được, ông đã xây được nhà ở và mua đất canh tác mỗi năm một ít, với dự định biến mảnh đất này thành mô hình kết hợp vườn, ao, chuồng (VAC) để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông nhận thấy cây cà phê giá cả cao và ổn định, ông đã quyết định trồng cà phê và sau đó xen thêm tiêu và 50 cây sầu riêng trên diện tích 4 ha đất của gia đình. Cùng với đó, ông còn nuôi gia súc, gia cầm, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên và trồng cỏ nuôi bò, sử dụng phân hữu cơ từ chuồng trại để bón cho vườn cà phê. Với 600 m2 ao, ngoài việc nuôi cá trê, cá rô phi (chủ yếu phục vụ gia đình), ông còn sử dụng nước ao để tưới tiêu cho vườn nhà. Bên cạnh đó, ông đã mạnh dạn đầu tư thêm hệ thống tưới phun sương cho vườn tiêu đang phát triển (trị giá 60 triệu đồng) giúp cho vườn tiêu của ông xanh tốt và đạt năng suất cao. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 4 ha trồng cà phê, tiêu và sầu riêng; 3 bò cái sinh sản; ao nuôi cá; một ít gà thả vườn và lợn. Sau khi trừ hết chi phí, hằng năm gia đình ông có thu nhập từ 400 – 600 triệu đồng. Mô hình kinh tế của gia đình ông trở thành mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế bền vững của Hội Cựu Chiến Binh (CCB) huyện Krông Bông.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với cương vị Chi hội Phó Chi hội CCB thôn 1,  xã Hòa Thành, ông Lộc luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động của hội và địa phương, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2017 vừa qua, ông đã tự nguyện hiến 750 m2 đất và 50 m2 sân xi măng của gia đình để làm đường, góp phần xây dựng đường trong thôn sạch đẹp. Ông Lộc cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên và bà con trong xã để cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.