Multimedia Đọc Báo in

Quyết liệt kiểm soát chất lượng phân bón

08:27, 30/08/2018

Đắk Lắk tuy không phải là đầu mối lớn về sản xuất phân bón, nhưng tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, tiêu thụ phân bón. Trước vấn nạn buôn lậu, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chất chỉnh hoạt động ở lĩnh vực này.

Đắk Lắk có hơn 20 đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ, 12 doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ và hơn 1.100 đối tượng kinh doanh phân bón, với hơn 250 đại lý. Theo tính toán của cơ quan chức năng, ước tính mỗi năm nhu cầu sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh đạt khoảng trên 1 triệu tấn các loại. Thị trường cung ứng mặt hàng này cũng khá dồi dào, đa dạng về chủng loại, giá cả.

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh), do nhu cầu sử dụng trong trồng trọt rất lớn và nhất là do chạy theo lợi nhuận, một số đại lý kinh doanh đã cố tình đưa ra thị trường phân bón hàng giả, nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vi phạm phổ biến trong kinh doanh phân bón trên địa bàn thường rơi vào các hành vi như không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, ghi nhãn hàng hóa, chủ cơ sở buôn bán không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, kém chất lượng, vi phạm về công bố hợp quy, vi phạm sở hữu trí tuệ... Hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng là gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho người nông dân, môi trường sinh thái, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tiến hành kiểm tra về thủ tục hành chính trong kinh doanh phân bón.
Tiến hành kiểm tra về thủ tục hành chính trong kinh doanh phân bón.

Thời gian qua, nhiều vụ vi phạm đã được cơ quan chức năng xử lý với số lượng lớn. Còn nhớ, vụ phát hiện và kịp thời ngăn chặn gần 7.000 bao phân (loại 25kg) hiệu NPK 8-2-8 + TE được sản xuất tại Nhà máy phân bón Thiên Nông (tỉnh Thanh Hóa) đã hết hạn sử dụng hơn 2 năm nhưng vẫn được chứa trong kho và chờ tiêu thụ của ông Trần Văn Thiện (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) hồi nửa cuối năm 2017 khiến những người làm nông nghiệp của tỉnh không khỏi không lo ngại.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã phát hiện, xử lý 5 vụ kinh doanh phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quy định về  nhãn hàng hóa, tịch thu 15 tấn phân bón và xử phạt gần 70 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đào Chí,  Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực 389 của tỉnh cho hay, để nâng cao hiệu quả đấu tranh ở lĩnh vực này rất cần sự trao đổi, phối hợp, cung cấp thông tin giữa các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh.  Mặt khác, trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng chức năng luôn chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng kinh doanh và người nông dân.

Trên thực tế, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón vi phạm phần nào được kiểm soát nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh nhận định, đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mắt các lực lượng chức năng, nhưng vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, bất cập khiến công tác phát hiện, xử lý gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, số lượng cơ sở, đại lý kinh doanh, danh mục phân bón được phép lưu thông lớn nên thị trường này khá phức tạp. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xác định phân bón giả còn hạn chế vì đa số các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất đều có trụ sở ở ngoài tỉnh nên rất thiếu thông tin, mẫu hàng thật cũng như sự phối hợp để so sánh, đối chiếu. Muốn xác định phân bón kém chất lượng thì cần phải lấy mẫu kiểm định, nhưng thủ tục lấy mẫu, giám định mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc tạm giữ hàng hóa, làm giảm hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có quy trình tiêu hủy phân bón giả, kém chất lượng nên việc tiêu hủy ở địa phương đành tiến hành theo phương pháp chôn lấp. Về lâu dài, việc này sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước của địa phương.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra bao bì, nhãn mác phân bón tại một đại lý ở huyện Krông Búk.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra bao bì, nhãn mác phân bón tại một đại lý ở huyện Krông Búk.

Quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm chấn chỉnh tình hình sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực này, bảo vệ người tiêu dùng địa phương, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh đang tiến hành mở đợt cao điểm kiểm tra hoạt động kinh doanh phân bón trên phạm vi toàn tỉnh. Nội dung kiểm tra tập trung về thủ tục hành chính, tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghịêp, hóa đơn chứng từ mua bán, công bố hợp quy, nhãn hàng hóa, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… Đồng thời, Đoàn cũng sẽ chú trọng tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm về chất lượng, trong trường hợp phát hiện mẫu không đạt chất lượng theo yêu cầu, sẽ tiến hành xử lý theo quy định.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.