Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả nguồn vốn chính sách ở huyện Krông Bông

10:38, 24/10/2018

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở Krông Bông được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Hiện trên địa bàn huyện Krông Bông có tổng cộng 14.651 khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ hơn 342 tỷ đồng. Các chương trình được tiếp cận nhiều nhất là hộ nghèo (dư nợ 112,2 tỷ đồng), hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (46,7 tỷ đồng), nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (34 tỷ đồng)…

Các hộ vay vốn từ chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn chủ yếu sử dụng vào mục đích chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ. Từ nguồn vốn này, người vay có điều kiện phát triển sản xuất, vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống. 

Đơn cử như gia đình chị Đoàn Thị Sa (thôn 4, xã Hòa Sơn) trước đây thuộc diện hộ nghèo, đất canh tác ít, không có việc làm ổn định nên thường xuyên trong tình cảnh "thiếu trước hụt sau". Năm 2015, chị vay 35 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông để mua 3 con bò giống về nuôi. Sau 3 năm, đàn bò không những giúp chị trả hết nợ ngân hàng mà còn mua thêm được 3 con bò để tiếp tục chăn nuôi. Nhờ thu nhập từ “bò ngân hàng” và một ít hoa màu, gia đình chị đã không còn thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước.

Chị Đoàn Thị Sa, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông chăm sóc đàn bò của gia đình.
Chị Đoàn Thị Sa, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông chăm sóc đàn bò của gia đình.

Ông Nguyễn Đình Sâm, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, những năm qua, đã có hàng nghìn lượt hộ dân trên địa bàn xã được tiếp cận vốn chính sách để phát triển kinh tế, mở rộng chăn nuôi, buôn bán. Nguồn vốn này không chỉ tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần không nhỏ trong việc thực hiện kế hoạch mỗi năm giảm 3-5% hộ nghèo tại địa phương. Bên cạnh đó, nhờ vốn chính sách đến với người vay một cách thuận lợi mà người dân không bị ảnh hưởng bởi nạn "tín dụng đen" gây thiệt hại về kinh tế và tinh thần.

Để nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả thiết thực, Ngân hàng Chính sách xã hội Krông Bông đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên. Hiện các tổ chức này đã tín chấp cho 11.795 hội viên vay tổng số vốn 341,9 tỷ đồng, chiếm 99,93% tổng dư nợ của ngân hàng. Toàn huyện có 285 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó phần lớn hoạt động đạt loại khá và tốt, qua đó giúp vốn chính sách đến đúng đối tượng một cách nhanh chóng, thuận lợi. Các tổ này cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, đôn đốc trả nợ nên chất lượng tín dụng được tăng lên, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn toàn huyện chỉ 0,045%.

Theo đánh giá của ông Đinh Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vốn chính sách với lãi suất ưu đãi đã giúp nhiều người dân trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, nguồn vốn này cũng góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thời gian tới, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện sẽ tập trung giải ngân các chương trình theo đề án của UBND tỉnh như Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Thủ tướng Chính phủ... Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách và vận động hộ vay chấp hành quy định vay vốn nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.