Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững: Còn nhiều trở ngại

09:15, 08/10/2018

Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, khu vực nông thôn trên địa bàn Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc khiến việc giảm nghèo chưa bền vững.

Sau 3 năm thực hiện (2016-2018), Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cơ bản đạt mục tiêu theo tiến độ đề ra. Hiện có 4 dự án về giảm nghèo đang được thực hiện, trong đó, đáng chú ý là Dự án 2 (chương trình 135, giai đoạn 2016-2018), hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, buôn đặc biệt khó khăn, với 580 công trình từ nguồn vốn đầu tư phát triển và thực hiện duy tu bảo dưỡng 48 công trình từ nguồn vốn sự nghiệp.

Kết quả đến hết năm 2017 có 73,91% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải; có 95,65% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 91,3% trạm tế xã có đủ điều kiện thăm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 84,78% số xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 68,86% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi nhỏ đáp ứng được 57,21% nhu cầu tưới cho diện tích cây trồng hằng năm.

Mô hình phát triển thủy sản hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện Krông Ana.
Mô hình phát triển thủy sản hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện Krông Ana.

Về hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, trong 3 năm đã hỗ trợ cho 6.272 hộ nghèo, cận nghèo mua con, cây giống phát triển sản xuất; triển khai 13 mô hình chăn nuôi và trồng trọt với khoảng 268 hộ tham gia, đã góp phần tăng thu nhập, giúp người dân thoát nghèo. Ngoài ra, Dự án 2 cũng đã tập trung nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Đến nay đã có 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã và 62,34% cán bộ tại các thôn, buôn đặc biệt khó khăn được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, dự án giảm nghèo, lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng; 100% cán bộ thôn, buôn được tập huấn về rà soát, xác định hộ nghèo, cận nghèo.

Bên cạnh đó, các Dự án 3 (hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135); Dự án 4 (truyền thông và giảm nghèo về thông tin); Dự án 5 (nâng cao năng lực và giảm sát, đánh giá thực hiện mô hình) cũng đã góp làm thay đổi diện mạo những vùng khó khăn, góp phần giảm nghèo đa chiều. Tổng số hộ nghèo đã giảm từ 19,37% cuối năm 2015 xuống còn 15,37% cuối năm 2017. Toàn tỉnh không còn huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; có 4 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%. Ước thực hiện đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn tỉnh giảm 2,84% so với năm 2017.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng việc giảm nghèo trên địa bàn Đắk Lắk vẫn chưa thật sự bền vững. Trong 2 năm (2016-2017), giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh chưa đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt là một số địa phương giảm rất ít như: Krông Bông, Lắk, Krông Năng, Buôn Đôn. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số địa phương còn cao, cuối năm 2017 còn 18 xã và 46 thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, đặc biệt có 5 thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 80%. Một số chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ xã hội tại các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn đạt còn thấp như: tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 68,86% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 90%); các công trình thủy lợi nhỏ mới đáp ứng 57,21% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm (chỉ tiêu đến năm 2020 là 75%).

Hỗ trợ bò cho các hộ nghèo ở xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana.
Hỗ trợ bò cho các hộ nghèo ở xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana.

Một trong những nguyên nhân là do một số văn bản của Trung ương ban hành chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến việc phân bổ kinh phí và triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo. Cùng với đó, việc thực hiện một số quy định còn bất cập, kéo dài thời gian như: thủ tục hồ sơ, công tác thẩm định theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ở nhiều địa phương còn lúng túng, mất nhiều thời gian; việc xác định danh mục đầu tư để đạt mục tiêu của Chương trình tại các địa phương còn chưa hợp lý. Cụ thể, trong tổng số các công trình đầu tư, công trình giao thông chiếm 86,97%, công trình văn hóa chiếm 7,9%, công trình giáo dục chiếm 3,5%, công trình thủy lợi chiếm 1,65% và không có công trình nước sạch nào. Do vậy, số hộ nghèo được cải thiện mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (như tình trạng nhà vệ sinh, chất lượng và diện tích nhà ở, nguồn nước sinh hoạt...) rất thấp. Bên cạnh đó, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận địa phương, hộ nghèo để được hưởng các chính sách giảm nghèo đã trở thành rào cản của mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia của tỉnh, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trong giai đoạn 2018-2020, các địa phương phải thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả 3 nhóm chính sách, gồm: hỗ trợ giảm nghèo theo tiêu chí thu nhập; hỗ trợ hộ nghèo giảm thiếu hụt các dịch vụ xã hội; hỗ trợ các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng. Đồng thời, các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, đề ra giải pháp cụ thể đối với từng chương trình, mục tiêu, trong đó chú ý đến mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thực hiện an sinh xã hội.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2018-2020 đối với Chương chình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 3,42%, đến cuối năm 2020 giảm còn dưới 5%.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.