Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất vụ đông xuân 2018-2019: Chủ động phòng chống hạn ngay từ đầu vụ

08:44, 17/12/2018

Vụ đông xuân 2018-2019 được dự báo sẽ khó khăn về nước tưới do hiện tượng ENSO có nhiều khả năng chuyển sang trạng thái El Nino với xác suất trong khoảng 60-70%. Trong khi đó, nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh chưa tích đủ nước đạt dung tích thiết kế.

Nguy cơ thiếu nước tưới

Hiện nay, các hồ chứa vừa và nhỏ (do địa phương quản lý) trên địa bàn các huyện: Krông Năng, Cư Kuin, Krông Ana... cơ bản đạt mực nước dâng bình thường. Riêng các huyện M'Đrắk, Ea Kar và Krông Bông đến nay chỉ đạt từ 30 – 80%  dung tích do lượng mưa ít, lượng nước về hồ không đạt yêu cầu so với thiết kế. Đối với 246 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý thì có đến ½ số hồ chưa đạt dung tích thiết kế, trong đó có 22 hồ mực nước ở mức dưới 50%; 30 hồ đạt từ 50-70%; 55 hồ đạt mức 70 đến 90%; 139 hồ đang ở mức nước dâng bình thường. Điều đáng nói là đa số các hồ vừa và nhỏ hiện nay lòng hồ bị bồi lắng nhiều nên mặc dù trữ nước đầy nhưng không bảo đảm dung tích thiết kế.

Nông dân xã Ea Pal (huyện Ea Kar) cày đất chuẩn bị cho vụ đông xuân 2018-2019.
Nông dân xã Ea Pal (huyện Ea Kar) cày đất chuẩn bị cho vụ đông xuân 2018-2019.

Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết, nguy cơ hạn hán xảy ra trên địa bàn huyện trong vụ đông xuân 2018-2019 là rất cao. Bởi năm 2018, trên địa bàn huyện lượng mưa chỉ đạt 1.200 mm, hụt mất 300 mm so với năm 2017, mực nước từ thượng nguồn đổ về các hồ, khe, suối so với năm 2017 rất thấp, chỉ có nguồn nước chứa trong hồ Ea Súp. Riêng hồ chứa Ea J'lơi theo thiết kế tưới cho 200 ha nhưng hiện tại mới tưới được cho 85 ha.

Còn theo ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, năm 2018 lượng mưa trên địa huyện đạt khoảng 74,5% so với trung bình nhiều năm. Đối với 58 công trình thủy lợi trên địa bàn, theo năng lực thiết kế sẽ phục vụ tưới cho trên 7.912 ha cây trồng. Tuy nhiên đến nay, hầu hết mực nước ở các hồ chứa đạt rất thấp. Hiện có 5/55 hồ đạt dưới 40% dung tích thiết kế, trong đó có 4 hồ đạt dưới mực nước chết; 41 hồ đạt 50% dung tích thiết kế. Các trạm bơm khai thác nước từ nguồn sông Krông Pắc cũng có nguy cơ thiếu nước rất cao vì mực nước sông hiện khá thấp.

Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi, do lượng mưa năm 2018 thấp, đạt 85% so với trung bình nhiều năm nên từ tháng 1 đến tháng 4-2019, lượng dòng chảy trên các sông thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-60%, chỉ một số nơi trên 60% so với nhiều năm. Thời kỳ cuối vụ, khả năng nhiều sông suối vừa và nhỏ sẽ bị khô cạn hoặc dòng chảy đến không đáng kể.

Cần có giải pháp tiết kiệm nước

Theo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2018-2019 của Sở NN-PTNT, diện tích gieo trồng toàn tỉnh là 49.576 ha, trong đó lúa nước 35.970 ha; ngô 3.700 ha; khoai lang 1.560 ha; đậu các loại 1.220 ha; rau xanh 3.500 ha; thuốc lá 534 ha; cây hàng năm khác 3.092 ha.

Cán bộ thủy lợi huyện Lắk vét dọn kênh mương để khơi thông dòng chảy.
Cán bộ thủy lợi huyện Lắk vét dọn kênh mương để khơi thông dòng chảy.

Để chủ động phòng chống hạn, Sở NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, trong đó yêu cầu tuyệt đối không đưa vào kế hoạch những diện tích lúa không có nguồn nước bảo đảm; sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng thích hợp, ưu tiên sử dụng các giống lúa trung và ngắn ngày, tăng tỷ lệ sử dụng các giống lúa xác nhận, lúa lai cho những vùng dịch chuyển thời vụ gieo cây sớm. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá nguồn nước, xác định những diện tích không bảo đảm nguồn nước tưới, những vùng thường bị mất trắng trong các vụ trước để chuyển sang gieo trồng cây trồng ngắn ngày khác…

 

"Vụ đông xuân 2018-2019 khả năng thiếu nước rất cao, do đó cần phải hết sức tiết kiệm nguồn nước và phải có biện pháp, kế hoạch tích trữ, sử dụng nước hợp lý ngay từ đầu vụ".

 

Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợ.

 

Chi cục Thủy lợi cũng đưa ra các giải pháp tận dụng triệt để nguồn nước như: nâng cao tràn các hồ chứa để trữ thêm nước trong hồ; dẫn nước vào chứa trong các ao, đầm và những nơi có điều kiện cho phép; tích trữ nước tối đa trong các ao, hồ nhỏ có thể dự trù nước tưới; tiến hành nạo vét, tu sửa, bảo dưỡng kênh mương để hạn chế thất thoát khi dẫn nước; điều tiết nước tưới tiết kiệm theo lịch và áp dụng kỹ thuật tưới luân phiên, công nghệ tưới tiết kiệm.

Về phía Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với đơn vị để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân gieo cấy đúng diện tích trong kế hoạch. Bởi nếu để người dân tự ý gieo trồng ngoài kế hoạch thì sẽ không đủ nước phục vụ sản xuất, kéo theo tất cả diện tích đều bị hạn và thiệt hại nặng.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.