Triển vọng nghề trồng dâu nuôi tằm ở Cư Đrăm
Thời gian qua, một số nông dân xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) đã chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang được kỳ vọng sẽ giúp người dân ở đây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trước đây, gia đình anh Quách Công Lượng (thôn Yang Hăn) chủ yếu nuôi heo. Mấy năm vừa qua, do giá heo xuống thấp nên gia đình anh ít lãi, thậm chí còn bị lỗ. Sau khi tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), đầu năm 2018, anh Lượng quyết định thuê 8 sào đất ven suối trồng dâu và đầu tư gần 50 triệu đồng đóng 3 giàn nuôi, né nhả tơ để nuôi tằm. Mới hơn 3 tháng, gia đình anh Lượng đã nuôi được 4 lứa tằm, mỗi lứa thu trung bình 60 kg kén/giàn. Anh Lượng chia sẻ: “Chỉ trong vòng 20 ngày, 3 giàn tằm (mỗi giàn nuôi 1 hộp giống tằm) cho thu khoảng 180 kg kén. Với giá bán hiện tại thì 3 giàn thu trên 20 triệu đồng; trừ chi phí con giống, công hái lá dâu, chúng tôi có lãi hơn 15 triệu đồng. Lợi nhuận cao như vậy nên gia đình tôi quyết định đầu tư thêm vốn để mở rộng quy mô nuôi khoảng 10 giàn”.
Nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Quách Công Lượng ở thôn Yang Hăn. |
Gia đình bà Bùi Thị Em (buôn Tơng Rang A) cũng bắt đầu trồng dâu từ đầu năm 2018. Gia đình bà thuê 7 sào đất để trồng dâu và hiện đang nuôi lứa tằm thứ ba. Chưa có điều kiện nên gia đình bà Em mới chỉ đầu tư 2 giàn để nuôi 2 hộp tằm và dự định đầu tư nuôi thêm khoảng 3 giàn nữa. Hai lứa vừa qua, sau khi trừ chi phí gia đình bà Em thu lãi gần 20 triệu đồng. Bà Em phấn khởi: “Đất ở đây phù hợp nên cây dâu phát triển rất tốt, lá to, dày và xanh. Khí hậu cũng thuận lợi, phù hợp nên tằm nuôi không bị bệnh, cho ra chất lượng kén đạt tiêu chuẩn, được đại lý thu mua đánh giá cao”.
Hiện nay đã có một số bà con nông dân, trong đó có cả những hộ người dân tộc thiểu số ở các thôn, buôn xã Cư Đrăm đã đến tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Lượng và bà Em. Ông Hoàng Văn Pao, Bí thư Chi bộ thôn Yang Hăn cho biết: “Do phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nên đã có hộ trong thôn làm đất trồng dâu nuôi tằm. Nếu thuận lợi thì đây là cơ hội để bà con nghèo vùng sâu của xã Cư Đrăm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.
Bà Bùi Thị Em ở buôn Tơng Rang A chăm sóc lứa tằm thứ ba. |
Xã Cư Đrăm hiện có hơn 400 ha đất thấp, đất ven suối của người dân, thích hợp trồng dâu để nuôi tằm nhưng bà con đang trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế thấp như sắn, ngô lai hay các loại đậu. Tuy nhiên, hiện tại chính quyền xã Cư Đrăm đang thận trọng, chưa vội khuyến khích bà con nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm bởi hiện tại chưa liên hệ được với đầu mối để tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định, lâu dài. Ông Nguyễn Công Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm cho biết: “Lãnh đạo và các ban ngành của xã đã vào tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm của hộ anh Lượng ở thôn Yang Hăn. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, mô hình này rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở đây; kỹ thuật đơn giản, vốn ban đầu cũng ít (khoảng 15 triệu đồng cho 1 giàn), thời gian thu hoạch ngắn mà hiệu quả kinh tế lại cao. Lãnh đạo địa phương đã lập kế hoạch trong thời gian tới sẽ tham quan và khảo sát đầu ra cho sản phẩm ở Lâm Đồng rồi về triển khai nhân rộng và có kế hoạch hỗ trợ giúp bà con vay vốn phát triển mô hình này”.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc