Multimedia Đọc Báo in

Agribank Đắk Lắk: Nỗ lực góp phần đẩy lùi nạn "tín dụng đen"

09:24, 23/01/2019

Là một định chế tài chính lớn, có tầm ảnh hưởng rộng khắp, thời gian qua Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã có nhiều nỗ lực trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, với mạng lưới phủ hầu khắp các địa phương trong tỉnh, Agribank Đắk Lắk đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn tín dụng chính thống.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), thời gian qua, ngành Ngân hàng đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho cho người dân và doanh nghiệp. Nỗ lực đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, ngành Nông nghiệp nói riêng, góp phần giảm nghèo bền vững và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, để lại nhiều hệ lụy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và an ninh trật tự của người dân ở nhiều địa phương. Vì vậy, để góp phần cùng các ngành, địa phương liên quan đấu tranh hạn chế tình trạng này, NHNN đã đề ra 9 nhóm giải pháp để huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả hơn của hệ thống ngân hàng.

Khách hàng đang giao dịch trên xe ô tô chuyên dùng của Agribank Đắk Lắk  tại xã Krông Nô (huyện Lắk).
Khách hàng đang giao dịch trên xe ô tô chuyên dùng của Agribank Đắk Lắk tại xã Krông Nô (huyện Lắk).

Thực tế là trong chín nhóm giải pháp lớn mà NHNN đề ra, hầu hết đã được hệ thống Agribank nói chung, Agribank Đắk Lắk nói riêng triển khai thực hiện có hiệu quả. Chẳng hạn, đối với yêu cầu triển khai mạnh mẽ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank Đắk Lắk xác định đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị.

Đến nay, dư nợ theo Nghị định này tại Agribank Đắk Lắk lên đến 5.461 tỷ đồng (chiếm 50,4% tổng dư nợ). Hay như  việc vận động chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể tham gia hoạt động tín dụng cũng đã được Agribank Đắk Lắk triển khai nhiều năm qua và đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần giúp hội viên các hội đoàn thể có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, dư nợ qua tổ nhóm do các hội, đoàn thể quản lý hơn 97,7 tỷ đồng, trong đó có 21 tổ do Hội Nông dân quản lý, dư nợ gần 17 tỷ đồng, 25 tổ do Hội Phụ nữ quản lý, dư nợ hơn 26 tỷ đồng, 25 tổ do Công đoàn các đơn vị quản lý, dư nợ hơn 54,7 tỷ đồng…

Ngoài ra, công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận tín dụng luôn được Agribank Đắk Lắk xem là việc làm quan trọng, thường xuyên. Việc mở rộng mạng lưới hoạt động cũng đã được Agribank Đắk Lắk triển khai phù hợp, tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân. Ở những vùng chưa phù hợp để mở phòng giao dịch, chi nhánh thì Agribank Đắk Lắk đã triển khai Điểm giao dịch bằng xe ô tô chuyên dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Cùng với đó, Agribank nói chung, Agribank Đắk Lắk nói riêng cũng là ngân hàng đi đầu trong việc đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng. Đồng thời dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói dịch vụ cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của người dân với mức lãi suất hợp lý, bù đắp rủi ro trong cho vay; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả nợ đúng hạn…

Có thể thấy, những định hướng, giải pháp lớn của NHNN đưa ra là phù hợp với yêu cầu hiện nay và sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi nạn “tín dụng đen”. Và những gì Agribank Đắk Lắk đã, đang làm hoàn toàn phù hợp với định hướng đó và được kỳ vọng sẽ cùng các ngành liên quan góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.