Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar: Rộng cửa thu hút đầu tư

07:55, 28/01/2019

Huyện Ea Kar là một trong những địa phương có tiềm năng, thế mạnh để phát triển về mọi mặt, trở thành vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh, trong đó đáng chú ý là Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với diện tích 26.926 ha; thảm thực vật rừng, hệ động vật trên địa bàn rất phong phú; nhiều mỏ đá xây dựng có trữ lượng khá lớn.

Trên địa bàn huyện có Cụm công nghiệp Ea Đar và hàng chục công ty, nhà máy, cơ sở chế biến lương thực, hàng tiêu dùng, nông sản… thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến gắn với thương mại, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và du lịch.

Trung tâm thị trấn Ea Kar.
Trung tâm thị trấn Ea Kar.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua, huyện đã tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính, nhất là việc giải quyết thủ tục về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch bảo đảm thuận lợi, nhanh chóng. UBND huyện đã xây dựng trang thông tin điện tử của huyện để quảng bá hình ảnh, mời gọi đầu tư; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư về thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng và thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã đăng ký, rà soát, bổ sung 60 dự án kêu gọi đầu tư ở các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, kết cấu hạ tầng, môi trường.

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chỉ tính riêng tại Cụm Công nghiệp Ea Đar, UBND huyện đã mời gọi được 11 nhà đầu tư thuê 29,06/ 50,09 ha với tổng nguồn vốn các dự án trên 245 tỷ đồng, nâng tỷ lệ lấp đầy của Cụm công nghiệp hiện nay lên 72,6%.

 

“Huyện Ea Kar mong muốn lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư về cơ sở hạ tầng, thương mại, du lịch, văn hóa; hỗ trợ và giới thiệu cho huyện trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, kêu gọi, thu hút đầu tư vào các dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư của địa phương”


 
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar  Nguyễn Văn Hà

Ngoài các dự án đã đi vào hoạt động, UBND huyện đang nỗ lực xúc tiến, triển khai một số dự án tiềm năng. Đáng chú ý là dự án Nhà máy chế biến và Silo chứa lúa gạo nông sản công nghệ cao của Công ty TNHH Gạo công nghệ cao Agroinpro Đắk Lắk thuộc Tập đoàn San Jose Spain Tây Ban Nha đã thỏa thuận được vị trí đầu tư tại Cụm Công nghiệp Ea Đar với diện tích 49.200 m2, công suất thiết kế 100.000 tấn gạo/năm, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Dự án này đã được Sở Kế hoạch - Đầu tư lấy ý kiến thẩm định nhằm có cơ sở tham mưu UBND tỉnh xem xét chủ trương đầu tư.

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, từ năm 2017 đến nay, huyện đã thu hút được 4 doanh nghiệp đầu tư cửa hàng kinh doanh xăng dầu với tổng mức đầu tư 7,5 tỷ đồng; có thêm 2 ngân hàng đến mở chi nhánh, nâng tổng số lên 15 ngân hàng có chi nhánh trên địa bàn huyện. Hiện Liên minh hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op) đang nghiên cứu đầu tư Dự án Siêu thị Coopmart Ea Kar tại thị trấn Ea Kar có tổng diện tích 9.723 m2, tổng vốn đầu tư 130 tỷ đồng.

Hồ Ea Kar nằm trong lòng thị trấn Ea Kar.
Hồ Ea Kar nằm trong lòng thị trấn Ea Kar.

Về lĩnh vực dịch vụ du lịch, huyện Ea Kar đã kêu gọi đầu tư xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thành khu du lịch sinh thái có diện tích 1.000 ha với hồ Thủy điện Krông H’năng, thác Bay hùng vĩ. Đặc biệt là hồ Ea Kar với diện tích trên 200 ha nằm trong lòng thị trấn Ea Kar, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mở rộng không gian kiến trúc cho những khu đô thị mới gắn với việc phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch của thị trấn Ea Kar hiện tại và tương lai. Bên cạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, huyện Ea Kar cũng tập trung đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, khôi phục nghề truyền thống, thủ công như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, đan lát tại 7 buôn đồng bào dân tộc thiểu số Êđê, xã Cư Huê.

Nguyễn Xuân

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.