Multimedia Đọc Báo in

Giảm nghèo bền vững: Những "nút thắt" cần tháo gỡ (Kỳ cuối)

09:00, 16/01/2019

Kỳ cuối: Lời giải cho “bài toán” thoát nghèo

Từ những tồn tại, bất cập trong công tác giảm nghèo, ngoài việc thay đổi nhận thức của người dân thì đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần có những giải pháp đồng bộ và cơ chế ràng buộc để triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, cũng như xác định đúng đối tượng hộ nghèo.

Thay đổi cách hỗ trợ…

Qua thực tế kiểm tra, phúc tra hộ nghèo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nguyên nhân khiến nhiều hộ khó thoát nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số là do sự ỷ lại; thói quen, tập quán canh tác lạc hậu, tự phát, chưa mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều hộ không muốn vay vốn để sản xuất, vì lo sợ không trả được vốn, muốn có thu nhập tức thì bằng cách đi làm thuê và làm được đồng nào thì tiêu hết đồng đó; có hộ có nhiều đất đai nhưng lại không biết làm ăn nên thường bỏ không hoặc bán cho người khác...

Trước thực trạng trên, để giảm nghèo hiệu quả trước hết cần phải phân loại hộ nghèo để có những chính sách hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng. Đơn cử với những hộ nghèo không có sức lao động như: người tàn tật, già yếu, ốm đau thường xuyên… thì có thể hỗ trợ trực tiếp, không nên đưa vào diện thực hiện mục tiêu giảm nghèo mà chuyển sang nhóm đối tượng bảo trợ xã hội vì họ dường như được xem là hộ nghèo vĩnh viễn. Đối với hộ nghèo có lao động, đất canh tác thì nên tập trung chính sách tạo sinh kế, đầu tư có trọng điểm theo hướng cầm tay chỉ việc cho những hộ này để họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Còn với nhóm nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản thì nên tập trung chính sách hỗ trợ tiếp cận…

Gia đình bà Nguyễn Thị Yến ở  xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn phát triển kinh tế.
Gia đình bà Nguyễn Thị Yến ở xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn phát triển kinh tế.

Cùng với việc thay đổi cách hỗ trợ phải chú trọng khâu chuyển giao, trang bị kiến thức sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng, tập quán cho từng đối tượng. Song song đó, xây dựng cơ chế ràng buộc trong quá trình thụ hưởng các chính sách hỗ trợ thoát nghèo. Với những hộ này, khi trao nguồn vốn cho họ phát triển sinh kế, địa phương cần phải giao thời gian hỗ trợ tối đa, có thể là trong thời gian 3 – 5 năm để giúp họ vươn lên, nếu hết 3 năm họ vẫn cố tình chây lười thì sẽ loại ra khỏi danh sách hộ nghèo. Có như vậy mới tạo ra sự công bằng và tránh gây lãng phí chính sách hỗ trợ, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ của hộ nghèo.

Một vấn đề nữa cần được quan tâm là thay vì phân tán nhỏ lẻ chương trình, nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo cùng thời điểm ở các địa phương khác nhau thì cơ quan chức năng nên xem xét tập trung hỗ trợ, bố trí kinh phí tập trung giảm nghèo bền vững cho từng địa phương để tạo hiệu quả nhất định. Với những hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững cũng nên động viên, khen thưởng và nêu gương để làm động lực cho các hộ khác noi theo.

Nâng cao nhận thức cho người dân và cả địa phương

Theo ông Lê Văn Dần, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH), mặc dù kết quả giảm nghèo năm 2018 đạt chỉ tiêu đề ra (giảm bình quân từ 2,5 – 3%/năm), nhưng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn còn cao; trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 64% tổng số hộ nghèo. Do đó, để giảm nghèo bền vững, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thay đổi nhận thức của chính người thụ hưởng và chính quyền địa phương.

Để giảm nghèo bền vững, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thay đổi nhận thức của chính người thụ hưởng và chính quyền địa phương, khi đó các chính sách hỗ trợ mới được thực hiện đúng mục đích và có hiệu quả.

Trước tiên phải giải quyết vấn đề mấu chốt là khuyến khích ý thức tự vươn lên của các hộ nghèo để giảm dần cách tư duy cho không, gây ỷ lại. Bởi trên thực tế, rất nhiều người nghèo cho rằng việc hỗ trợ từ nhà nước là cho không, thường xuyên, năm nay được nhận thì năm sau nếu còn là hộ nghèo thì vẫn được nhận tiếp. Để thay đổi suy nghĩ này, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu rõ những gì họ nhận được không phải là mãi mãi mà họ cần có trách nhiệm sử dụng chúng sao cho hiệu quả nhất; chính sách hỗ trợ chỉ là tiền đề giúp họ nỗ lực vươn lên thoát nghèo một cách nhanh chóng, bền vững. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH  Phạm Phượng cho rằng, việc thay đổi nhận thức là cả một quá trình lâu dài, không hề đơn giản xét ở cả góc độ chính quyền lẫn người dân, chỉ khi thay đổi tư duy này mới thúc đẩy được nội lực vươn lên của chính hộ nghèo.

Căn nhà tuềnh toàng của một hộ nghèo ở xã Nam Ka, huyện Lắk.
Căn nhà tuềnh toàng của một hộ nghèo ở xã Nam Ka, huyện Lắk.

Không chỉ thay đổi nhận thức của người dân mà cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chính quyền địa phương. Với tư tưởng không muốn thoát nghèo nhằm để hưởng các chính sách ưu đãi nên một vài địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác giảm nghèo, do đó, chưa xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể; chưa đối ứng nguồn vốn của huyện, xã cho chương trình; chưa thường xuyên, quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Mặc khác, cần quy trách nhiệm, có chế tài xử lý nghiêm trường hợp địa phương để xảy ra tình trạng “chạy” chính sách. Nếu chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể không vào cuộc, không vận động, hướng dẫn bà con cách làm cụ thể thì công tác giảm nghèo sẽ không đạt mục tiêu. 

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.