Multimedia Đọc Báo in

Tem truy xuất nguồn gốc: Định vị nông sản sạch

09:39, 10/01/2019

Thời gian gần đây, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh thực hiện ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc trên bao bì sản phẩm của đơn vị. Việc làm này đã tạo được hiệu ứng tích cực trong khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước và chủ động tiếp cận với yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

HTX Minh Tân Đạt (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) có 110 ha ca cao (chủ yếu trồng xen với các loại cây trồng khác) đã được Tổ chức FLO cấp Chứng nhận Fair Trade với sản lượng hạt ca cao thô mỗi năm lên đến 200 tấn. Ngoài xuất hạt ca cao thô, từ năm 2016, HTX xuất khẩu các sản phẩm ca cao tinh chế và sôcôla sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Lượng tiêu thụ các sản phẩm ca cao đã qua chế biến mỗi năm của HTX đạt bình quân 45 tấn, phần lớn dành cho xuất khẩu.

Theo ông Thái Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Minh Tân Đạt, quy trình trồng và chế biến các sản phẩm từ ca cao của đơn vị thường xuyên được các đối tác trong và ngoài nước kiểm tra, thẩm định. Bên cạnh đó, tất cả sản phẩm nông sản đã qua chế biến của HTX đều được cơ quan trong nước kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm và chứng nhận chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn ở bao bì, nhãn mác thông thường, HTX không thể giới thiệu hết về quy trình sản xuất và các chứng nhận chất lượng của sản phẩm đến người tiêu dùng.

HTX Minh Tân Đạt giới thiệu sản phẩm Hội thảo Giới thiệu sản phẩm an toàn của các HTX.
HTX Minh Tân Đạt giới thiệu sản phẩm Hội thảo Giới thiệu sản phẩm an toàn của các HTX.

Cuối năm 2018, trong đợt Hội thảo - hội chợ về cây ăn trái do UBND huyện Ea Kar tổ chức, HTX Minh Tân Đạt đã kết nối với một đơn vị tư vấn về xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, trong đó có tem truy xuất nguồn gốc. Bước đầu, đơn vị đối tác đã thiết kế cơ bản con tem QR code (còn gọi là mã vạch vuông) để HTX dán thử nghiệm lên các sản phẩm ca cao, sôcôla, hạt điều, cà phê... Khi dùng ứng dụng trên điện thoại thông minh quét lên mã QR sẽ hiện lên các thông tin cơ bản gồm: tên HTX, địa chỉ, ngày sản xuất, ngày hết hạn... bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ông Quang phấn khởi cho biết, HTX đang cùng đơn vị đối tác tiếp tục xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, hoàn thiện website để cung cấp nhiều thông tin trực quan hơn qua đường dẫn truy xuất nguồn gốc từ tem QR code. HTX cũng sẽ tiến hành in tem truy xuất nguồn gốc lên bao bì của sản phẩm để khách hàng chủ động kiểm tra thông tin, tạo sự yên tâm về chất lượng. Đây là định hướng để HTX quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, tiếp cận thị trường xuất khẩu sang các nước châu Âu.

 
“Việc quản lý thiết kế, in ấn, sử dụng tem QR code trong truy xuất nguồn gốc hiện vẫn do các đơn vị tự thực hiện là chính. Vì vậy, các HTX có nhu cầu sử dụng tem QR code cần tham khảo kỹ lưỡng quy trình thực hiện và chọn đối tác uy tín để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm chi phí”.
 
  Ông Vũ Trọng Luyến , Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Kim Thiện

Tương tự, HTX Nông nghiệp Kim Thiện (phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ) cũng đã triển khai việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho mặt hàng bơ và sầu riêng từ giữa năm 2018. Ông Vũ Trọng Luyến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Kim Thiện cho biết, đơn vị đã in 10 nghìn tem truy xuất nguồn gốc với kinh phí khoảng 200 đồng/tem. HTX chỉ cần kích hoạt tem theo số lượng quả của mỗi đơn hàng để cập nhật ngày sản xuất và hạn sử dụng rồi dán trực tiếp lên cuống sầu riêng hoặc trên quả bơ.

Ngoài các thông tin cơ bản và kết quả kiểm nghiệm chất lượng, HTX cũng thường xuyên bổ sung hình ảnh, video clip về quy trình trồng và chăm sóc các loại cây ăn trái tại vườn để khách hàng dễ dàng tham khảo thông tin qua việc kiểm tra mã QR. Nhờ dán tem truy xuất nguồn gốc, trong vụ thu hoạch vừa qua, HTX Nông nghiệp Kim Thiện đã bán 40 tấn bơ và sầu riêng cho hệ thống siêu thị BigC với giá cao hơn 10% so với giá bán cho thương lái tự do. Thành công bước đầu này đã giúp HTX tự tin hơn trong việc liên kết với các đối tác nước ngoài, tìm hướng xuất khẩu các mặt hàng trái cây chủ lực của đơn vị như bơ booth, sầu riêng, vải thiều...

Kiểm chứng tem QR code truy xuất nguồn gốc trên quả bơ tại Hội thảo Giới thiệu sản phẩm an toàn  của các HTX.
Kiểm chứng tem QR code truy xuất nguồn gốc trên quả bơ tại Hội thảo Giới thiệu sản phẩm an toàn của các HTX.

Trong xu thế hiện nay, việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc ngày càng trở nên phổ biến và đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong nước và thị trường xuất khẩu nước ngoài. Tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chính vì vậy, thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào tem truy xuất nguồn gốc và xây dựng hệ thống dữ liệu có liên quan còn nâng cao trách nhiệm của các HTX đối với mỗi sản phẩm bán ra thị trường, tăng tính chủ động trong việc quảng bá hình ảnh, nâng cấp mẫu mã và giá trị của sản phẩm. Đây được xem là tiền đề quan trọng để góp phần xây dựng các chuỗi cung ứng hàng hóa quy mô lớn trong tương lai.

Bảo Bình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.