Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện cơ sở hạ tầng - "cú hích" cho phát triển

09:39, 04/02/2019
Nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Krông Bông còn nhiều khó khăn. Do đó huyện đã xác định, cơ sở hạ tầng sẽ phải đi trước một bước để tạo “cú hích” cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng khác.

Trên thực tế, thông qua việc xây dựng và cải tạo, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, cầu, các công trình thủy lợi, nước sạch, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển tổng hợp cả về du lịch, phát triển sản xuất sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo tăng trưởng kinh tế, thu nhập, thay đổi tư duy, tập quán canh tác… của người dân ở mỗi địa phương. Thế nhưng, với đặc thù của Krông Bông, địa phương chưa thể có đủ nguồn lực đầu tư tập trung, tạo đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện  Krông Bông Lê Văn Long phát biểu tại Lễ khởi công  Dự án cải tạo, nâng cấp cục bộ Tỉnh lộ 12.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long phát biểu tại Lễ khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp cục bộ Tỉnh lộ 12.

Xác định khó khăn đó, thời gian qua huyện Krông Bông đã phải vận dụng nhiều biện pháp, trong đó đã tận dụng hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia để từng bước cải thiện cơ sở hạ tầng. Đơn cử như Chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự quyết tâm và đồng thuận cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần “Mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng nông thôn mới”, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, với nhiều cách làm hay sáng tạo; cộng đồng dân cư cùng nhau tự quản, tự làm đường giao thông, kênh mương theo quy chuẩn, nhân dân đã phát huy nguồn nội lực với nhiều cách làm phong phú, phù hợp đặc điểm của từng xã, thôn và từng khu dân cư. 

Nhờ đó, chỉ trong vòng ba năm (2016-2018), nhân dân trên địa bàn đã đóng góp trên 8,9 tỷ đồng, hơn 10 nghìn ngày công, hiến 25.707m2 đất (trị giá hơn 15,9 tỷ đồng) để cùng với nguồn vốn bố trí của tỉnh, ngân sách huyện nâng cấp và bê tông hóa 44,75 km đường giao thông nông thôn, 2.500 km kênh mương được kiên cố hóa. Đó là nỗ lực không hề nhỏ của nhân dân và các cấp chính quyền địa phương và nó đã trở thành phong trào sâu rộng, sôi nổi, hiệu quả đều khắp trong toàn huyện. Phong trào không chỉ huy động tốt nội lực và sức sáng tạo trong nhân dân mà thông qua đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, một số công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao, tạo niềm tin trong nhân dân...

Nhắc đến cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Krông Bông không thể không kể đến việc trong tháng 11 vừa qua, trên địa bàn huyện đã khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp cục bộ tỉnh lộ 12 (đoạn Km 0+00 - Km 13+869), có chiều dài 13,86 km, có tổng vốn 40 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Hay như việc mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 70 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 để xây dựng cầu Cư Păm (nằm giữa hai xã Hòa Tân và Khuê Ngọc Điền) vốn đã hư hỏng, xuống cấp từ rất lâu… Đó là sự hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả và được nhân dân trong huyện phấn khởi đón nhận. Bởi lâu nay tỉnh lộ 12, cầu Cư Păm xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu của người dân và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Krông Bông…

Người dân thôn 2 , xã Hòa Thành làm đường giao thông nội thôn.
Người dân thôn 2 , xã Hòa Thành làm đường giao thông nội thôn.

Đó là những tín hiệu tích cực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Krông Bông. Với sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp, các ngành, những cách làm sáng tạo, vận dụng linh hoạt của địa phương và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong huyện, hy vọng rằng trong thời gian tới kết cấu hạ tầng tại Krông Bông sẽ được cải thiện hơn nữa, góp phần phát huy các lợi thế về sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và cải thiện đời sống nhân dân địa phương.

Lê Văn Long
 
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.