Multimedia Đọc Báo in

Nông dân M'Đrắk sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay

11:04, 22/02/2019

Thời gian qua, nhiều hộ nông dân huyện M’Đrắk đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, qua đó có thêm điều kiện đầu tư sản xuất chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Ông Hồ Xuân Dựng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện M’Đrắk cho biết, năm 2018 tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đạt trên 4,7 tỷ đồng với tổng số 188 lượt khách hàng còn dư nợ. Để quản lý chặt chẽ và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn chủ động trong công tác điều hành, quản lý nguồn vốn cho vay…

Hằng năm, Ngân hàng đều xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn cho các xã, thị trấn. Các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên huyện thực hiện tốt công tác hướng dẫn, thẩm định, quản lý, giám sát vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện giải ngân cũng như thu hồi vốn và lãi tại các điểm giao dịch của các xã, thị trấn vào một ngày cố định trong tháng, tạo thuận lợi cho người vay vốn tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Định kỳ hằng tháng, hằng quý cán bộ Ngân hàng đều kiểm tra tình hình vốn cho vay, từ đó có phương án giải ngân, hạn chế tình trạng ứ đọng vốn trong thời gian dài, tăng cường công tác thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn vay để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn.

Nhờ nguồn vốn vay,  chị Đồng Thị Huyền (tổ dân phố 4, thị trấn M'Đrắk)  đã đầu tư trồng  rau màu, trồng rừng và chăn nuôi.
Nhờ nguồn vốn vay, chị Đồng Thị Huyền (tổ dân phố 4, thị trấn M'Đrắk) đã đầu tư trồng rau màu, trồng rừng và chăn nuôi.

Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, nhiều hộ nông dân đã giảm nghèo và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện M’Đrắk đã giảm 6,57%, vượt kế hoạch đề ra.

Đơn cử như gia đình chị Đồng Thị Huyền (tổ dân phố 4, thị trấn M’Đrắk), trước đây cuộc sống rất khó khăn, có đất đai nhưng do thiếu vốn đầu tư sản xuất nên gia đình chị không có điều kiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Trong những năm 2015 – 2018, gia đình chị Huyền đã hai lần được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư trồng 1 ha rừng nguyên liệu giấy, gần 1.000 m2 hoa màu và 2 sào cỏ VA 06 để nuôi 4 con bò theo hình thức bán công nghiệp. Chịu khó làm ăn và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đến nay thu nhập của gia đình chị Huyền đã đạt gần 50 triệu đồng/năm, cuộc sống bớt khó khăn, có điều kiện cho con cái học hành.

Năm 2013, gia đình bà Lê Thị Toan (thôn 6, xã Cư Króa) được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để đầu tư mua cây giống, thuê nhân công trồng 2 ha keo nguyên liệu giấy. Cuối năm 2017 diện tích keo của gia đình bà đã cho thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập 140 triệu đồng. Không chỉ trả được nợ, bà Toan còn có thêm vốn tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Cuối năm 2018, gia đình bà tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn vùng khó khăn để đầu tư trồng cà phê, vải thiều, hứa hẹn sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc