Multimedia Đọc Báo in

Agribank Đắk Lắk: Những thành quả 31 năm phục vụ "Tam nông"

13:26, 28/03/2019

Qua chặng đường 31 năm hình thành và phát triển, đến nay Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã khẳng định sự kiên định của một thương hiệu gắn với sứ mệnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, luôn tiên phong, chủ lực cung ứng tín dụng, sản phẩm dịch vụ tiện ích cho nền kinh tế tại địa phương.

Thực hiện  đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI khởi xướng năm 1986 và xác định đổi mới hệ thống ngân hàng là khâu then chốt, Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Việt Nam - tiền thân của Agribank ngày nay - đã được ra đời ngày 26-3-1988 theo Nghị định số 53/NĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Khi mới thành lập, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chủ yếu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Lắk (trước khi thành lập Ngân hàng Phát triển nông nghiệp, hệ thống ngân hàng chỉ có một cấp là Ngân hàng Nhà nước vừa quản lý nhà nước vừa thực hiện chức năng huy động và cho vay), với nguồn vốn huy động chỉ có 10 tỷ đồng chủ yếu là tiền gửi tiết kiệm của dân cư và dư nợ cho vay chỉ có 18 tỷ đồng mà thực chất là đã đóng băng trong các đơn vị kinh tế quốc doanh (nông trường, trạm trại và vài cơ sở tiểu thủ công nghiệp hoạt động cầm chừng trong giai đoạn chuyển giao từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường). Cơ sở vật chất nghèo nàn, chủ yếu chuyển trực tiếp trụ sở Ngân hàng Nhà nước huyện qua thành trụ sở của Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp (lúc này toàn tỉnh có 15 chi nhánh, bao gồm cả các chi nhánh thuộc tỉnh Đắk Nông hiện nay). Đội ngũ nhân viên đông đến hàng ngàn, người trình độ chuyên môn yếu lại chưa thích nghi với cơ chế tự hạch toán kinh doanh nên hoạt động kinh doanh thời kỳ đầu mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn.

Cán bộ Agribank Đắk Lắk tìm hiểu khó khăn của nông dân trồng tiêu tại huyện Cư Kuin.
Cán bộ Agribank Đắk Lắk tìm hiểu khó khăn của nông dân trồng tiêu tại huyện Cư Kuin.

Ngay từ khi mới thành lập, Agribank Đắk Lắk đã xác định cho vay trực tiếp hộ nông dân là đối tượng khách hàng chủ yếu. Xác định cho vay nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ chính trị của Agribank Đắk Lắk đối với chính sách “Tam nông” của Đảng. Nhờ xác định đúng mục tiêu định hướng, hoạt động tín dụng đối với hộ nông dân của Agribank Đắk Lắk 30 năm qua đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Từ chỗ chỉ có vài nghìn hộ nông dân được vay tín dụng của Ngân hàng Phát triển nông nghiệp, thì những năm sau đó đã có sự tăng trưởng liên tục mạnh mẽ cả về dư nợ, số hộ được vay và chất lượng tín dụng: tổng dư nợ khi mới thành lập năm 1988 là 18 tỷ đồng, đến thời điểm 31-12-2018 là 10.817 tỷ đồng, lớn gấp 560 lần năm 1988. Trong đó trên 90% tổng dư nợ của Agribank Đắk Lắk dành cho khu vực nông nghiệp. Không dừng lại ở đó, năm 2018 Agribank Đắk Lắk đã đến gần hơn với bà con nông dân bằng việc khai trương “Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng”. Việc làm này của Agribank Đắk Lắk không chỉ nhằm đa dạng hóa kênh phân phối mà còn giúp người dân ở các địa bàn xa trung tâm thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ của ngân hàng; từ đó góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư. Ngoài sản xuất kinh doanh, hộ nông dân còn được Agribank Đắk Lắk cho vay khi có nhu cầu vốn để đầu tư vào các lĩnh vực phi nông nghiệp như: xuất khẩu lao động; mua xe ô tô, xe máy để phục vụ sản xuất đời sống; xây dựng, sửa chữa nhà; khắc phục khó khăn trong sản xuất, đời sống (như thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm…).

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank Đắk Lắk đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thông qua triển khai nhiều hoạt động vì cộng đồng, ưu tiên các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giáo dục, y tế, đường giao thông nông thôn, hỗ trợ cộng đồng... với con số lên tới hàng chục tỷ đồng.

Điều không thể phủ nhận là, trải qua 31 năm hoạt động, với vai trò chủ lực trên thị trường cung ứng vốn, sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích cho “Tam nông” có ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc. Tín dụng đối với hộ nông dân thực sự là đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk phát triển toàn diện, mạnh mẽ và đang ngày càng trở thành ngành nông nghiệp hàng hóa, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà doanh số xuất khẩu của nhiều ngành hàng có xuất xứ từ nông nghiệp, nông thôn ngày càng lớn. Thông qua triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, sử dụng hiệu quả đồng vốn của Agribank, người nông dân Đắk Lăk ngày càng trưởng thành, biết làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Theo Giám đốc Agribank Đắk Lắk Vương Hồng Lĩnh, năm 2019 và những năm tiếp theo Agribank Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh, tập trung nguồn lực vào lĩnh vực truyền thống, sở trường đó là “Tam nông” và các lĩnh vực ưu tiên của Đảng, Chính phủ, khẳng định vai trò tiên phong của một ngân hàng thương mại Nhà nước trong cung ứng nguồn vốn và dịch vụ tài chính cho nền kinh tế nói chung, thị thường nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, chung sức cùng các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi như: cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg; cho vay tái canh cà phê; chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ "Nông nghiệp sạch"; cho vay theo hình thức ngân hàng lưu động như “Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng” phục vụ nông dân khu vực khó khăn; cho vay qua tổ nhóm theo thỏa thuận với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Với tinh thần tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Đắk Lắk phấn đấu duy trì dư nợ cho vay trong lĩnh vực này thường xuyên đạt trên 90% tổng dư nợ; cân đối và bố trí nguồn vốn kịp thời, bảo đảm nguồn vốn đầu tư được an toàn, hiệu quả…

Phan Quốc Lương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.